• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NA HANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chàng kỹ sư nông nghiệp bỏ phố về rừng khởi nghiệp làm trang trại chăn nuôi

Từ bỏ công việc với mức lương ổn định ở Thủ đô Hà Nội, chàng trai Bàn Xuân Thủy, sinh năm 1997, Kỹ sư nông nghiệp – chuyên ngành quản lý đất đai lại quyết định trở về vùng đất vùng cao thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái làm mô hình trang trại chăn nuôi với ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của mình.

Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bàn Xuân Thủy đã thi và trúng tuyển vào Khoa quản lý đất đai – Học viện Nông Nghiệp Việt Nam. Trải qua hơn 4 năm miệt mài học tập, tốt nghiệp ra trường với những kiến thức chuyên môn đã được học, Thủy tìm được một công việc ổn định tại thủ đô đúng với chuyên ngành mình theo học. Tưởng như đã đạt được ước mơ sau nhiều năm nỗ lực học tập thì em sẽ yên tâm công tác, nhưng ngay từ những năm tháng học đại học và làm việc, là một người năng nổ, tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, Thủy nhận thấy thực phẩm bẩn đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, hơn nữa quê hương Hồng Thái lại đang được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư phát triển du lịch nên Thủy đã nung nấu ý tưởng bỏ phố về rừng làm mô hình trang trại chăn nuôi cung cấp thực phẩm sạch tại mảnh đất quê hương của mình.

Chàng trai Bàn Xuân Thủy ( SN 1997, ở thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái) khởi nghiệp thành công với mô hình trang trại chăn nuôi trên mảnh đất vùng cao Hồng Thái

Để thực hiện được ý định trên, phải thuyết phục mãi, gia đình Thủy mới đồng ý cho chàng trai này về quê lập nghiệp. Thủy tâm sự: “Ở thời điểm đó với mức lương khoảng 10 triệu/tháng cũng là khá cao và hấp dẫn, nhiều bạn trẻ mơ ước. Với lại bố mẹ em cho đi ăn học xong cũng muốn con mình theo nghề đúng với ngành học để có công ăn việc làm ổn định, nên việc thuyết phục gia đình đồng ý là rất khó khăn. Song khi được em nhiều lần thuyết phục và trình bày ý tưởng thực hiện mô hình thì dần dần mọi người cũng đã cho em cơ hội để thử sức làm giàu ở ngay trên mảnh đất quê hương mình, Điều đó chính là động lực rất lớn cho em khởi nghiệp”.

Lúc đầu mới về, với đồng vốn tích góp được sau gần một năm làm việc, cộng thêm vay mượn của người thân, Thủy tiến hành cải tạo và quy hoạch lại vùng đất đồi rộng khoảng 1ha của gia đình để nuôi lợn đen và gà đồi thương phẩm. Gia đình Thủy lâu nay phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi, nên ngay từ nhỏ em đã có niềm yêu thích công việc chăm sóc con gà, đàn lợn. Nhờ đó, em có một nền tảng kiến thức và kinh nghiệm khá tốt trong việc chăn nuôi những con vật này.

Từ mảnh đồi có sẵn, Thủy đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi theo mô hình khép kín. Chia thành các khu nuôi lợn giống, lợn thịt, gà thả đồi…với quy mô khi mới thực hiện là hơn chục con lợn giống bố mẹ và 100 con gà đồi. Chi phí đầu tư ban đầu cho chuồng trại không cao, chủ yếu xây tạo được môi trường chăn nuôi bán chăn thả phù hợp với tập tính vốn có của lợn đen và gà đồi. Khi những vật nuôi này được vận động nhiều, ủi bới đất tìm thức ăn thì sẽ khỏe mạnh hơn và thịt săn chắc nên được nhiều người ưa thích. Để có thức ăn sạch cho chăn nuôi, Thủy chủ động trồng thêm nhiều cây lương thực, chuối rừng trong trang trại tạo nguồn thức ăn xanh, thức ăn hữu cơ, tận dụng phế phẩm nông nghiệp như: bống rượu, các loại rau, cỏ. Chú trọng bổ sung thêm cám gạo, cám ngô để gia tăng chất lượng thịt và giúp đàn vật nuôi phát triển nhanh hơn. Hàng ngày, Thủy dành rất nhiều thời gian để chặt chuối, cắt cỏ voi, nấu cám chăm sóc đàn vật nuôi, phát triển nguồn thức ăn xanh và thức ăn thô dự trữ đề phòng cho những đợt thời tiết khắc nghiệt. Mỗi ngày, đều vệ sinh chuồng trại bảo đảm sạch, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Là chủ một trang trại ngày, đêm đều phải quán xuyến hết mọi công việc nhưng với chàng trai này không có gì đáng lo ngại, bởi theo Thủy muốn thành công phải mạnh mẽ, tự lập, quyết đoán, không ngại khó, ngại khổ.

Bàn Xuân Thủy chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp với phóng viên ngay trong khu trang trại chăn nuôi của mình

Không có thành công nào mà không trải qua thất bại, đối với mô hình của Thủy cũng không phải là ngoại lệ. Thủy cho biết: “trong giai đoạn đầu mới đầu tư xây dựng mô hình, do chưa quây lưới sắt được chắc chắn và kín  hoàn toàn nên có đêm trang trại của em đã bị chó chui vào và cắn chết hơn chục con lợn giống. Sáng dậy nhìn thấy cảnh tượng những con vật nuôi do mình vất vả, vùi công chăm sóc bị chết nằm la liệt mà em rớt nước mắt. Tiếc công tiếc của, nhưng em vẫn không ngừng rút kinh nghiệm và quyết định làm lại từ đầu, tiếp tục vay vốn để tổ chức chăn nuôi trở lại”.

Vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp đà phát triển, với vốn kinh nghiệm ngày một dầy dặn thêm, cùng với lòng đam mê, quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình. Sau nhiều nỗ lực đầu tư, đến nay trang trại của Thủy đã cho “quả ngọt” bắt đầu sinh sôi và tăng nhanh về số lượng. Hiện tại, mô hình đang có 16 con lợn đen giống, nuôi theo hình thức gối đàn với gần 100 con lợn đen thịt thương phẩm và khoảng 300 con gà đồi. Vì ăn thức ăn xanh hữu cơ là chính nên lợn đen có thời gian sinh trưởng lâu, một năm mới đạt trọng lượng khoảng 30kg và xuất bán với giá dao động từ 150.000 đến 170.000 đồng/kg lợn hơi. Còn với đàn gà đồi Thủy chăn thả khoảng 4 tháng thì được xuất bán, mỗi năm sẽ xuất được 3 lứa.  Nhờ có giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chắc thịt, nên thịt lợn đen và gà đồi của Thủy rất được mọi người tin tưởng và ưa chuộng. Tính trung bình mỗi năm doanh thu từ mô hình trang trại của Thủy trừ đi các chi phí, thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, quê hương xã Hồng Thái đang phát triển mạnh về du lịch, ngày càng có đông hơn khách du lịch đến với nơi này. Thủy cũng ước muốn làm du lịch cộng đồng, nên đã bàn với gia đình mạnh dạn mở Homestay Mác Cọp do chị gái Thủy quản lý để kinh doanh phục vụ dịch vụ ăn nghỉ cho du khách. Vì sẵn có nguồn thực phẩm ngon sạch từ trang trại nên khách du lịch rất hài lòng khi lựa chọn Homestay của gia đình Thủy. Cũng từ đó mà Thủy được gặp gỡ mở rộng thêm mối khách hàng tiêu thụ thực phẩm sạch cho trang trại của mình. Hàng tuần đều đặn, Thủy đều có đơn thịt lợn đen, gà đồi thương phẩm gửi đi khắp các tỉnh, thành lân cận như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương… Ngoài ra, Thủy còn triển khai lập ra các kênh youtube, Tiktok, Facebook để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của quê hương Hồng Thái và gia đình Thủy. Thông qua các mạng xã hội, tìm kiếm thị trường và đầu ra mới cho sản phẩm.

Chàng kỹ sư nông nghiệp ngày nào đã trở thành một nông dân 4.0 thực thụ với thu nhập cao và nhận được sự thán phục, đồng cảm, trân trọng của bạn bè và những người thân trong gia đình. Trang trại của Thủy là một địa chỉ mới cho nhiều thanh niên đến học tập kinh nghiệm. Chàng trai này cũng luôn sẵn sàng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho những người có cùng chí hướng. Chia sẻ về những dự định tương lai, Thủy muốn sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa quy mô, tăng đàn và có thể sẽ chăn nuôi đa dạng hơn nữa, đặc biệt là một số loại con đặc sản có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nói về mô hình sản xuất, kinh doanh của  Bàn Xuân Thủy, đồng chí Đặng Văn Sam Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Đây là mô hình làm kinh tế trang trại chăn nuôi đầu tiên của xã và làm ăn có hiệu quả. Mô hình của Thủy cần được nhân rộng hơn nữa để thanh niên, đoàn viên trong xã chăn nuôi phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Mô hình chăn nuôi của Thủy tuy mới bắt đầu nhưng khẳng định ý chí, nghị lực của một thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, là tấm gương sáng cho nhiều đoàn viên thanh niên học tập và làm theo.

Bài, ảnh: Thành Nho


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 42
Hôm qua : 522