• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NA HANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đặc sắc váy chấm sáp ong của người Dao tiền

Bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao tiền thể hiện tính thẩm mỹ cao, đẹp và rực rỡ nhất chính là ở phần chân váy. Phần chân váy không những có nhiều hoa văn, họa tiết mà còn đặc sắc bởi nghệ thuật chấm sáp ong nhuộm chàm của tổ tiên truyền lại cho đến ngày nay.

Trang phục phụ nữ Dao tiền nổi bẩn ở phần chân váy được trang trí hoa văn họa tiết bằng nghệ thuật chấm sáp ong trên vải.

Để tạo ra được hoa văn trên tấm vải, người phụ nữ Dao tiền đã phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ. Ban đầu từ một tấm vải trắng bằng sợi bông, người Dao tiền dùng miếng đá phẳng mịn cả hai mặt đặt tấm vải trắng lên và dùng nanh lợn mài thật nhẵn và láng bóng miếng vải. Vải phải được là phẳng để khi in sáp ong mới ngấm đều và đẹp, không bị loang. Đây là công đoạn đòi hỏi sự kiện nhẫn và bền bỉ của những người phụ nữ. Tiếp đến là công đoạn đun sáp ong, khi đun phải có độ loãng vừa phải, nếu loãng quá thì khi in hoa văn lên vải sẽ bị nhòe, còn đặc quá thì sáp không ăn vào vải.

Dụng cụ để chấm sáp ong gồm: Dụ pơi (một que tre nhỏ được vót nhọn đầu), vè (một que tre nhỏ gắn thanh sắt nhỏ tạo hình chữ, chùn thố (2 ống tre to và nhỏ) và phong tháo (một que tre nhỏ được gắn sắt ở đầu). Đầu tiên dùng vè để tạo hình tam giác trên tấm vải, sau đó dùng dụ pơi chấm phía trong tam giác; phong tháo dùng để tạo các đường viền của các hình tam giác nhọn và chùn thố dùng để chấm hình đồng tiền xu. Đây là bước sau cùng để hoàn chỉnh bộ hoa văn trước khi miếng vải được nhuộm chàm. 

Bà Bàn Thị Tiến, thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang (Lâm Bình) cho biết, khi tạo hoa văn trên vải phải cần 2 miếng lá chít để đệm, mục đích là để khi chấm sáp ong lên vải không bị loang sang bên phần vải khác.

Công đoạn chấm, vẽ sáp ong lên vải.

Tấm vải sau khi hoàn thiện công đoạn chấm sáp ong lên váy.

Họa tiết trên chiếc váy được chia làm ba phần: Phần thứ nhất là những đường tròn đồng xu chia làm 6 phần bằng nhau; phần thứ hai là những đường kẻ trắng, gồm 9 đường chạy song song; phần thứ ba là những hình ô vuông, tam giác, chữ nhật và các đường gấp khúc nối tiếp nhau.

Sau khi in, chờ sáp ong khô rồi mới đem nhuộm chàm nhiều lần (từ 4 đến 5 lần). Bằng cách thả tấm vải trắng lên chậu nước trong vòng một tiếng, sau đó vớt lên phơi khô; công đoạn này phải làm đi làm lại nhiều lần. Tấm vải khi ngâm phải luôn ngập nước chàm, dùng tay nhúng kỹ cho vải thấm đều màu chàm để không bị loang lổ. Sau khi nhuộm được màu chàm như ý, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi. Lúc này sáp ong bị nóng sẽ tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm. Một mảnh vải nhuộm chàm, in sáp ong, người phụ nữ Dao cần khoảng 10 ngày cho tất cả các công đoạn.

Sáp ong được thêu lên vải chàm, với mục đích trang trí viền áo, váy tôn lên vẻ đẹp độc đáo, mỗi một họa tiết hoa văn trên trang phục đều là biểu trưng của người Dao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Những tấm vải in hoa văn sáp ong được phụ nữ Dao tiền sử dụng để khâu váy. Chiếc váy màu chàm với các họa tiết hoa văn đã tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, giản dị của phụ nữ Dao tiền.

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 162
Hôm qua : 602