• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NA HANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Người tiếp lửa” ở Nà Cào

“Người tiếp lửa” ở Nà Cào
Ngày xuất bản: 31/05/2020 11:16:07 SA

            Nhiều người thường quan niệm, trưởng thôn, trưởng bản phải là các cụ có tuổi. Những già làng đã có thời gian trải nghiệm cuộc sống, có lời nói đủ “nặng” để bà con nghe. Vậy mà ở tuổi 34, chàng trai người Mông Đào Văn Máy đã hơn 10 năm làm cán bộ thôn. Năm 2011, anh trở thành người uy tín trẻ nhất xã Thượng Nông, huyện Na Hang. Đối với Máy đó là niềm vui và trách nhiệm để luôn một lòng trọn vẹn với Nà Cào.

 

 

Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Nà Cào, xã Thượng Nông (Na Hang) tuyên truyền chính sách pháp luật cho người dân

 

          Ngày Máy mới làm cán bộ thôn, có lúc thấy chồng vất vả việc nhà, vườn đồi rồi việc làng bản, chị Đươ bảo với chồng mang cái chức phó trưởng thôn đi trả cho xã. Mỗi lần như thế, Máy luôn quả quyết với vợ: “Cái chức phó trưởng thôn hay trưởng thôn không phải một tấm áo mà mang đi trả. Đó là trách nhiệm chứ cứ thấy vất vả một tý là chuyển gánh sang vai người khác là không được. Vả lại dân bản đã tin mình, bầu mình làm thì phải làm cho tốt chứ!”.

 

          Chẳng phải bỗng chốc chàng trai hơn 20 tuổi người Mông đã có được suy nghĩ đó. Máy bảo, năm 4 tuổi Máy theo bố mẹ cùng 20 hộ dân từ Cao Bằng đến Nà Cào. Ông Tu - bố Máy từng là bộ đội chiến đấu và bị thương ở chiến trường biên giới phía Bắc. Từ nhỏ, 6 anh em Máy được nghe bố kể chuyện đánh giặc, bảo ban việc học hành, chỉ có học mới làm cái đầu sáng ra được! Thế nên dẫu gia cảnh khó khăn nhưng anh em Máy đều được học đến THPT.

          Ngày ấy, ông Tu là già làng, lời nói có “sức nặng” lắm! Khi Máy được làm thôn đội trưởng kiêm công an viên rồi Bí thư Chi đoàn Nà Cào, ông Tu chỉ nói một câu mà khiến Máy nhớ mãi: “Con trai Mông khôn lớn phải biết bước qua ngưỡng cửa, sợ vấp ngã mà chỉ đứng mãi một chỗ thì như con chim rừng gãy cánh thôi”.

          Máy nghe lời bố, sợ bị ví như “con chim rừng gãy cánh” nên lúc nào cũng chuyên tâm việc làng việc bản. Nhờ đó mà sau 2 năm phấn đấu, Máy là “hạt giống đỏ” và là đảng viên đầu tiên được kết nạp Đảng tại Nà Cào. Máy kể, bản lúc đó có đúng 2 đảng viên là Dương Thị Dén và Đào Văn Páo A (cả hai đều được kết nạp ở Cao Bằng). Sau 8 năm Nà Cào kết nạp đảng viên mới là Máy và anh Đào Văn Lý. Chi bộ có 4 đồng chí rồi, không phải “nhờ” đảng viên nơi khác về sinh hoạt nữa. Năm 2014, Máy được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ Nà Cào; sau đó bà con chọn Máy làm trưởng thôn. Trách nhiệm, nhiệt huyết thôi thúc anh cán bộ trẻ người Mông có nhiều cách làm hay để giúp Nà Cào thoát khỏi tập quán, phong tục lạc hậu, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Xóa bỏ “ma men”

          Trước đây, hình ảnh ông Sùng Văn Khào thường loạng choạng với chai rượu bên mình, có lúc ngã nhào xuống vệ đường ngủ, hình ảnh đó đã trở nên quen thuộc với dân bản. Ngày đấy, người Mông Nà Cào quan niệm, gặp nhau là uống rượu, mà đã uống là phải say.  Nà Cào không chỉ Sùng Văn Khào mà nhiều đàn ông Mông nghiện uống rượu. Họ nhịn cơn khát nước có khi còn dễ hơn cơn khát rượu, nhiều người đang sắp ốm nhưng đã khỏe lại ngay sau khi nhấp ngụm đầu tiên vào mồm. Uống xong có người đi ngủ, không chịu lao động; có người đánh vợ con, người quấy nhiễu làng xóm; cái nghèo, cái đói cứ thế đeo bám…!

          Việc xóa bỏ tệ nạn này là điều mà Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đào Văn Máy trăn trở nhất. Anh gặp gỡ riêng từng người để khuyên răn to nhỏ. Ban đầu, nhiều người hậm hực lắm. Họ “mượn rượu” đến tận nhà anh để “trả bài”, gây chuyện. Người lớn tuổi tính hay tự ái, có người còn quy cho anh tội “vắt mũi chưa sạch” lại dám dạy khôn. Cách này không ổn thì Máy tìm cách khác tế nhị, dễ “lọt” tai hơn.

        Vậy là, trưởng thôn Máy và các đoàn thể trong thôn như: Chi đoàn, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân… cùng vào cuộc. Để tạo được sức mạnh tuyên truyền, tại các cuộc họp thôn bản, sinh hoạt hội viên, đoàn viên... Máy và cán bộ đoàn thể linh hoạt lồng ghép đưa ra dẫn chứng cụ thể tác hại của bia rượu. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này tuyệt đối không nhắc tên, tự khắc để người nghe ngẫm nghĩ.

Cán bộ Máy được học nhiều, được đi xã đi huyện nhiều lần, lời nói sắc như dao chém cột: “Đàn ông không chịu lên nương mà chỉ biết ở nhà uống rượu, đẩy việc cho đàn bà thì không khác gì mục gỗ trôi sông rồi. Hôm qua có người còn đánh vợ, nếu có lần sau thì thôn sẽ nhắc tên ở cuộc họp”.  Trưởng thôn trẻ còn tranh thủ uy tín từ các trưởng họ, người cao tuổi để cùng khuyên bảo. Tiếp đó, Máy khéo léo vận động vợ, con các đối tượng không được “tiếp tay” cung cấp rượu… Chính cách vận động linh hoạt, bền bỉ, sau một thời gian dài ý thức người dân dần thay đổi. Máy thật lòng tâm sự: “Nói thực cuộc chiến với ma men không phải dễ dàng gì. Để đàn ông hiểu được hệ lụy uống rượu và thanh niên trẻ tránh xa rượu là chặng đường gian nan. Nay, nhiều người Nà Cao đã dần bỏ rượu, chí thú làm ăn. Đó là thành tích tuyệt với nhất của cả dân bản”.

         Điển hình nhất là ông Sùng Văn Khào, từ một hộ nghèo nay đã thoát nghèo. Ngoài trồng ngô, lúa, nhà ông Khào còn trồng 2 ha rừng, nuôi 9 con trâu. Ông Khào chia sẻ, mình chỉ nên uống rượu trong những ngày lễ, ngày giỗ, sau giờ lao động và phải uống có chừng mực, còn ngày thường nên tập trung vào công việc.

Luồng gió mới...

 

 

Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ Đào Văn Máy hướng dẫn người dân trồng cây tre bát độ

 

         Khi nói về Máy, anh Nguyễn Văn Cướng, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nông vẫn còn nhắc câu chuyện thú vị. Để vận động bà con phát triển kinh tế từ trồng tre bát độ mà Máy đã phải mất mấy ngày lặn lội sang tận Đà Vị để quay video, chụp ảnh mang về cho bà con trong thôn xem.

       Máy cười lý giải, bà con Nà Cào vốn tính chắc ăn, cái gì cũng phải trông thấy tận mắt, xem người ta làm trước, có kết quả tốt rồi mới làm theo. Thế nên sau khi học hỏi mô hình trồng tre bát độ của Hợp tác xã nông nghiệp Đà Vị, Máy còn mang cả điện thoại Smartphone quay video mang về cho bà con nhìn tận mắt. Nào là quay vườn tre, lá tre, quay cả người dân Đà Vị nói về cây tre nữa, đầu ra xuất bán lá tre, bán măng tre. Được nhìn thấy cây tre lớn, có người thu mua sản phẩm, kiếm được tiền… thế là người Nà Cào tin rồi.

      Để nêu gương gia đình Máy trồng trước 100 cây. Sau đó 12 hộ nữa làm theo. Đến nay, toàn thôn có 13 hộ thực hiện mô hình trồng tre bát độ. Máy bày tỏ, nhờ có video điện thoại mà lần này vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không vất vả như trước. Trước đây, để vận động bà con phát triển kinh tế từ rừng và chăn nuôi trâu, bò cũng tốn kha khá thời gian của Máy. Nào là, phải đưa từng hộ dân đến tận nơi xem, hộ này đợi hộ nọ làm trước để làm theo. Cả việc giải quyết việc ngoài ý muốn như có hộ thực hiện không đúng quy trình, cây chết, trâu bò ốm thì sang nhà cán bộ thắc mắc, bắt đền… Thế là, phải mất mấy năm trời mới đi vào quy củ được!

     Cuối cùng, kết quả thật xứng đáng, hiện nay đa số hộ dân Nà Cào đều trồng rừng với tổng diện tích hơn 30 ha. Điển hình như hộ: Sùng Văn Hồ trồng gần 9 ha, Sùng Văn Sào có 4 ha, Dương Thị Dén có 4 ha… Nhiều hộ phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu, có một số hộ sở hữu trên 10 con trâu như: Hoàng Văn Lềnh, Đào Văn Danh, Đào Văn Thành, Dương Văn Chi… Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như “luồng gió mới” làm thay cuộc sống của người dân nơi đây. Trước đây, cả thôn đều là hộ nghèo, nay tỷ lệ hộ nghèo còn 40%, hộ khá chiếm 20%.

      “Nói được làm được”, giờ đây mỗi lời nói của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn trẻ Đào Văn Máy có “sức nặng” như đá. Mọi công to, việc lớn đều được anh lo chu toàn, khéo léo. Nà Cào năm nào cũng đạt “Khu dân cư văn hóa”; trên 90% số hộ đạt gia đình văn hóa, không có trẻ em bỏ học, không có tình trạng di cư tự do; người dân trong thôn theo đạo Tin lành hoạt động đúng quy định của pháp luật.

     Nhiều năm liền Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đào Văn Máy là người có uy tín của bản làng. Năm 2018, anh là một trong những đại diện trẻ của tỉnh được dự Lễ tuyên dương người có uy tín tiêu biểu các tỉnh vùng Tây Bắc. Đối với anh, đó là niềm vui cũng là trách nhiệm để tiếp tục cống hiến sức trẻ cho quê hương.

Bài, ảnh: Hà Huế

 


Nguồn:nahang.tuyenquang.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 383
Hôm qua : 470