• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NA HANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dân vận khéo ở Thanh Tương

 

“Về đích” nông thôn mới năm 2021, diện mạo xã Thanh Tương đã có nhiều thay đổi. Đi trên con đường bê tông trải dài như lụa ẩn hiện dưới mây trời các thôn gần trung tâm hay xa và khó khăn nhất của xã Thanh Tương, huyện Na Hang, bất kỳ ai cũng bất ngờ khi lần đầu đặt chân đến. Câu chuyện dân vận khéo của cán bộ ở Thanh Tương đã làm thay đổi hẳn nếp nghĩ, hành động của nhân dân nơi đây về bảo vệ môi trường.

Người dân thôn Bắc Danh xây dựng bể Bioga

Đi đầu trong công tác dân vận

Cách trung tâm xã Thanh Tương gần 20 km, vượt qua chiếc cầu phao đung đưa theo dòng nước, thôn Bắc Danh và Nà Coóc hiện ra giữa thung lũng bao quanh bởi dãy núi đá thẳng đứng, hiên ngang giữa miền sơn cước. Năm 2017, hai thôn mới có điện lưới quốc gia. Tuy xa trung tâm xã là vậy nhưng ở đây lại là nơi đi đầu về phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp của xã.

Ông Nông Văn Sông, trưởng thôn Nà Coóc tuổi đã ngoài ngũ tuần trầm ngâm kể: Sau nhiều lần họp dân, tuyên truyền về chủ trương mục tiêu xây dựng nông thôn mới, người dân lúc đầu chỉ nghe xong để đấy, đích thân ông đến từng nhà vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ vì môi trường sống sạch sẽ, trong lành. Toàn thôn Nà Coóc hiện có 60 hộ dân, với 100% là đồng bào Tày, trước khi triển khai phong trào vệ sinh môi trường thì nơi đây xuất hiện nhiều bệnh tật do thói quen vệ sinh kém của nhân dân. Ông Sông bảo: “Thay đổi nếp nghĩ của người dân thực sự rất khó, sau khi được tuyên truyền nhiều lần thì đa số đều nghe theo và thực hiện nghiêm túc, nhưng cũng có nhiều hộ dân lại chống đối, kiên quyết không làm. Anh Mạc Văn Vàng là một trong số đó. Gia đình anh thuộc diện khó khăn, sau nhiều lần vận động làm nhà vệ sinh, hố chứa rác sinh hoạt nhưng không nhận được sự hưởng ứng, ông Sông đích thân nhiều lần đến tận nhà anh Vàng vận động và kêu gọi người dân trong thôn đóng góp tiền để mua thiết bị cho gia đình làm các công trình vệ sinh. Nhờ công tác dân vận khéo, anh Vàng tự giác mua và làm, hiện nay anh còn là người dân tiêu biểu trong thôn về phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm.

Cách Nà Coóc chừng 7km, thôn Bắc Danh trước đây người dân thường có thói quen thả rông gia súc. Vì đây là thói quen lâu đời nên chính quyền xã gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động. Sau khi luân chuyển đồng chí Long Văn Vân, Bí thư Chi bộ thôn Nà Coóc về đây làm Trưởng thôn Bắc Danh thì mọi chuyện nay đã thay đổi. 

Trong căn nhà xây khang trang, với những bông hoa mười giờ thi nhau khoe sắc, đồng chí Long Văn Vân, xuất hiện với quần xắn cao, ông vừa đi giúp đỡ người dân làm bể Biogas cho chuồng nuôi trâu vỗ béo để đảm bảo vệ sinh môi trường. Ông chia sẻ: Khi được bầu làm Trưởng thôn Bắc Danh, điều làm ông Vân trăn trở nhất là làm sao vận động được người dân trong thôn từng bước xây dựng được nếp ăn ở sạch sẽ, ngăn nắp, giữ gìn môi trường nông thôn trong lành. Đây có lẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất với ông nhưng trong “cái khó ló cái khôn”, ông đứng ra tổ chức những buổi họp dân, tuyên truyền về môi trường. Ông không tổ chức ở nhà văn hóa mà tổ chức ở những con đường làng, khi thì ở gần cánh đồng vào những ngày nắng, đứng giữa bầu không khí ô nhiễm, ai cũng ngán ngẩm. Càng ngán ngẩm thì hiệu quả tuyên truyền càng cao, càng hiệu quả. Không ai bảo ai, sau vài lần như vậy, nhân dân bắt đầu thay đổi thói quen chăn thả gia súc, ông họp dân và bàn với nhân dân thống nhất đưa ra quy ước ai phát hiện trâu, bò thả rông, báo cho ông bất kể thời gian, ông đích thân đến phạt, tiền phạt trị giá 100 nghìn đồng/con, xung công quỹ của thôn. Số tiền ấy, thôn dùng để thăm hỏi mọi người trong thôn khi ốm đau, hay nhà có đám hiếu.

Bà Nông Thị Hạm, là hộ nghèo của thôn, gia đình bà là hộ duy nhất chưa có công trình vệ sinh và hố chứa rác thải sinh hoạt theo quy định trong thôn. Ông Vân đứng lên xin chính quyền xã hỗ trợ 500 nghìn đồng và bà con trong thôn đóng góp mỗi hộ từ 20 đến 50 nghìn đồng để xây dựng công trình vệ sinh cho gia đình bà Hạm. Nhờ sự đồng lòng, mà Bắc Danh hôm nay thay da đổi thịt, trâu bò không thả rông nên đất đai được nhân dân sử dụng 3 vụ mỗi năm, đời sống khấm khá hẳn lên. Bắc Danh giàu có vì môi trường xanh đang là câu cửa miệng của người dân nơi này.

Thay đổi nếp nghĩ, tự giác bảo vệ môi trường

Chủ tịch UBND xã Thanh Tương Hoàng Văn Hoan chia sẻ: Nếu như trước đây, Thanh Tương khó khăn nhất là việc thu gom rác thải thì từ năm 2018, sau khi xã quyết tâm về đích nông thôn mới theo kế hoạch, ý thức bảo vệ môi trường trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực. Đảng ủy xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động, phong trào chung tay bảo vệ môi trường nông thôn trong đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đến nay xã đã thành lập được 12/12 mô hình tự quản tại các thôn về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Đường làng ngõ xóm được người dân vệ sinh thường xuyên

Là người đi đầu trong thôn về phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, anh Lường Văn Nghiêm, thôn Nà Coóc cho biết: Ở Nà Coóc mỗi tuần mỗi người dân như anh đều tự giác thu gom rác thải quanh khu vực sinh sống, rác thải phân hủy được ủ làm phân bón cho cây trồng...

Nhiều thôn của Thanh Tương hiện nay đang phát triển mạnh nghề nuôi trâu vỗ béo. Thật không khó để bắt gặp các hộ gia đình đang đầu tư chuồng trại, cải tạo đất trồng cỏ cho gia súc nhưng ai cũng quan tâm đến môi trường. Anh Hứa Văn Việt là hộ dân đi đầu trong thôn về nuôi trâu vỗ béo và anh cũng là hộ chủ động làm hầm Biogas để chứa chất thải cho đàn trâu. Anh Việt cho biết: Anh nuôi trâu đã gần 15 năm, ngày xưa trâu, bò chủ yếu thả rông. Hiệu quả kinh tế không cao mà lại gây ô nhiễm môi trường. Từ khi thôn ban hành quy ước không thả rông gia súc, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư chuồng trại và trồng cỏ voi để phát triển nuôi trâu vỗ béo. Anh còn xây dựng hầm Biogas để giữ gìn vệ sinh môi trường. Mỗi năm từ chăn nuôi gia đình anh Việt thu lãi trên 100 triệu đồng. Anh Việt cười tươi bảo: “Nhà báo thấy đấy, là thôn nuôi nhiều trâu, bò của xã nhưng Bắc Danh rất sạch sẽ, đất canh tác kém hiệu quả trước đây bỏ hoang nay xanh mướt màu xanh của cỏ rồi”.

Giữa năm 2020, tại hai thôn trung tâm của xã là Nà Mạ và Yên Trung có hai Tổ tự quản rác thải là điển hình của huyện. Các mô hình với nhiều cách làm mới mẻ, nhân dân trong thôn tự xây dựng các bể rác thải của gia đình và bể rác chung của thôn. Việc phân loại, thu gom, tiêu hủy rác đều được nhân dân tự giác thực hiện. Bà Dương Thị Liên, Trưởng thôn Nà Mạ kể: “Từ ngày được công nhận là một trong hai mô hình tiêu biểu về quản lý rác thải của huyện, nhân dân trong thôn ai cũng có ý thức giữ gìn môi trường và tự học cách phân loại rác thải ngay từ gia đình”.

Với thành phố “sạch đường, sạch ngõ” có thể dễ dàng thực hiện nhưng với xã vùng cao như Thanh Tương, đặc biệt là các thôn xa cũng làm được “sạch đường, sạch ngõ” quả là điều đáng khâm phục. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Hoan quả quyết: “Đến năm 2023, Thanh Tương sẽ phấn đấu có trên 90% khu dân cư và 80% số hộ gia đình trên địa bàn thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình”.

Bài, ảnh: Hà Huế

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 395
Hôm qua : 470