Tính đến ngày 30/3/2025, tỉnh Tuyên Quang đã ghi nhận 172 ca mắc bệnh sởi, với 162 ca phát hiện trong tháng 3. Các huyện có số ca mắc cao bao gồm Na Hang (68 ca), Hàm Yên (57 ca), Yên Sơn (19 ca), thành phố Tuyên Quang (12 ca), Chiêm Hóa (9 ca), Lâm Bình (5 ca) và Sơn Dương (2 ca). Đáng chú ý, hơn 80% số ca mắc chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi, trong đó 50% chưa tiêm mũi nào dù đã đến tuổi tiêm chủng.
Người dân cần chủ động đưa trẻ đến các cơ sở Y tế để tiêm vắc xin phòng Sởi
Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa từ mùa đông sang mùa hè, đây là thời điểm thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát sinh và lây lan nhanh chóng, đặc biệt là bệnh Sởi và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não nếu không được điều trị kịp thời.
Các triệu chứng điển hình gồm: Sốt cao liên tục, Phát ban toàn thân, Viêm kết mạc mắt, chảy nước mũi, Ho khan kéo dài.
Trước tình hình này, ngành Y tế tỉnh đã và đang phối hợp với các ngành và địa phương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2025. Mục tiêu là tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, đặc biệt tập trung vào các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Trung tâm Y tế huyện Na Hang khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như sau:
Tiêm vắc xin phòng Sởi đầy đủ theo lịch tiêm chủng.
Đưa trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần Sởi đến Trạm Y tế để được tiêm phòng kịp thời.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.
Khi có dấu hiệu nghi mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Ngoài bệnh Sởi, còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác cũng có nguy cơ bùng phát trong thời điểm giao mùa như: Cúm mùa, Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Tiêu chảy cấp do Rotavirus.
Để phòng bệnh cần:
Tiêm vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Vệ sinh môi trường sống, loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi, gián, chuột.
Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng.
Khi có dấu hiệu nghi mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Mỗi người dân cần có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, tránh để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Trung tâm Y tế huyện Na Hang đề nghị toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để chúng ta có một mùa hè an toàn, mạnh khỏe!
Thực hiện: Vương Tấn