Với hơn 8.000 ha diện tích mặt nước trải dài trên 2 huyện Na Hang – Lâm Bình. Trong đó diện tích mặt nước hồ thuộc địa phận huyện Na Hang gần 4.000 ha. Nhiều năm trở lại đây cùng với những chính sách ưu tiên phát triển thủy sản của địa phương, nghề nuôi cá lòng theo tiêu chuẩn VietGAP ở lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã và đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững cho các hộ dân trên địa bàn.
Mô hình nuôi cá lồng của gia đình bàPhạm Thị Tình, Tổ dân phố 2, thị trấn Na Hang
Đến tham quan mô hình nuôi cá lồng của gia đình bà Phạm Thị Tình, Tổ dân phố 2, thị trấn Na Hang. Nhờ chọn đúng hướng đi và áp dụng đúng quy trình chăm sóc mà số cá lồng của gia đình bà phát triển ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không dừng lại ở đó, đầu năm 2022 nhận thấy tiềm năng lớn về thị trường cá đặc sản; gia đình bà Tình đã mạnh dạn vay nguồn vốn từ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để cải tạo lồng và mở rộng quy mô nuôi cá. Hiện nay, mô hình phát triển kinh tế của gia đình bà đã tăng số lượng lên 50 lồng. Chủ yếu là các loại cá: lăng, quất hoa, bỗng… Nguồn thức ăn cho cá chủ yếu đến từ tự nhiên như các loại cá nhỏ, tôm trong hồ và cỏ nên chất lượng thịt cá rất ngọt và chắc thịt, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhờ phát triển kinh tế theo hướng này, mỗi năm thu nhập chưa trừ chi phí gia đình bà trên 300 triệu/năm, tạo được việc làm cho nhiều lao động với mức lương trung bình 5 đến 10 triệu/tháng.
Không chỉ các hộ dân mà một số doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô lớn. Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong phát triển thủy sản theo tiêu chuẩn VietGap, Công ty TNHH Thường Mai đã mạnh dạn đầu tư 70 lồng cá lăng các loại, bỗng, trắm, chép, mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 60 đến 70 tấn cá, thu về gần 500 trăm triệu đồng. Ông Vũ Đình Thường, Giám đốc Công ty TNHH Thường Mai cho biết, nguồn nước tự nhiên ở lòng hồ thủy điện Tuyên Quang rất sạch, tận dụng nguồn cá tạp làm thức ăn khá phong phú nên quá trình nuôi đơn vị sử dụng cá tạp kết hợp thức ăn công nghiệp. Để cá khỏe mạnh và có sức đề kháng cao, khâu vệ sinh đóng vai trò quan trọng. Hàng tuần công nhân phải tiến hành kiểm tra và làm vệ sinh lồng, lưới, để phòng bệnh cho cá. Nuôi cá theo quy trình VietGAP mất nhiều thời gian và công sức nhưng bù lại cá nuôi ít bệnh tật, chất lượng cao nên luôn được khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Những năm gần đây, để khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế trên vùng lòng hồ, huyện đã triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ vay vốn, mở các lớp tập huấn kỹ thuật… Đồng thời, tích cực vận động nhân dân khai thác, bảo vệ và phát triển thủy sản đúng quy định; lập quy hoạch các vùng, bãi cấm khai thác, đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng. Hiện nay, huyện có 3 doanh nghiệp, 2 HTX và 96 hộ gia đình nuôi cá trên vùng lòng hồ, với tổng số 1288 lồng cá, trung bình mỗi năm cho sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 2.000 tấn. Nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện đang giải việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng những chính sách ưu đãi trong phát triển thủy sản, đặc biệt hướng đi mới nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Tin tưởng rằng nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang sẽ ngày càng được mở rộng, đưa sản phẩm sạch đến với thị trường, góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương.
Bài, ảnh: Vương Tấn