Trong các ngày từ 25 đến 28/10, đoàn công tác của UBND huyện Na Hang do đồng chí Nguyễn Quốc Luân, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện làm trưởng đoàn đã đến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Tham gia Đoàn công tác có các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện; lãnh đạo UBND, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn và Đại diện cán bộ làm công tác giảm nghèo của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Các đại biểu tham quan thôn văn hóa Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước
Theo chương trình làm việc, đoàn công tác huyện Na Hang đã đến tham quan thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước). Được biết, đây là một trong những thôn tiêu biểu trong việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, xã Lũng Niêm là nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài rất đa dạng như: Khăn quàng, váy, áo, mũ, gối, khăn trải bàn, đệm ghế, túi thêu... với những nét họa tiết, hoa văn phong phú mang giá trị nghệ thuật cao. Nhờ đó, nghề dệt thổ cẩm của địa phương có điều kiện để phát triển. Hiện nay, thôn Lặn Ngoài có hơn 50 hội viên phụ nữ làm nghề dệt thổ cẩm, với thu nhập đều đặn mỗi tháng. Những người làm nghề dệt thổ cẩm không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Tiếp đó, đoàn công tác đã đến thăm mô hình nuôi vịt mô hình nuôi vịt xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước. Đây là giống vịt bản địa có tên gọi là vịt Quốc Thành hay vịt Mường Khoòng. Để bảo tồn con nuôi này, những năm qua, huyện Bá Thước đã vận động các xã có điều kiện chăn nuôi phục hồi và phát triển giống vịt. Đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn đã liên kết thành lập HTX mở rộng quy mô chăn nuôi vịt Cổ Lũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Qua chuyến tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế tại huyện Bá Thước đã giúp cho các thành viên trong đoàn công tác huyện Na Hang học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý báu về các mô hình phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa đặc sắc địa phương. Từ đó nhằm tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp, áp dụng vào thực tiễn tại huyện, góp phần nâng cao giá trị và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Hà Huế