Sáng 18/11, Đoàn khảo sát Hội đồng dân tộc, Quốc hội khóa XV do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội làm trưởng đoàn đã khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2023. Cùng đi có đồng chí Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội.
Đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội phát biểu
Về phía tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội nông thôn và miền núi; Vụ Dân tộc - Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo huyện Na Hang.
Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh phát biểu
Huyện Na Hang có trên 75,8 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm 87,86% diện tích đất tự nhiên của huyện. Trong giai đoạn 2019 – 2023, Ủy ban nhân dân huyện Na Hang đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Luật Lâm nghiệp, các văn bản chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và các hộ gia đình dân tộc thiểu số. Đã tổ chức được 878 cuộc tuyên truyền pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, 14 hội nghị tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Toàn huyện đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dựng đất cho 224 hộ gia đình với diện tích 407,6ha. Trong giai đoạn 2019 – 2023 huyện Na Hang đã chi cho công tác giao khoán, bảo vệ rừng với số tiền 44,9 tỷ đồng. Từ đó góp phần tạo công ăn, việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Tuy nhiên do trình độ dân trí không đồng đều, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Một bộ phận người dân còn thiếu đất sản xuất, vẫn có tình trạng xâm hại đến môi trường rừng. Đặc biệt nguồn kinh phó phân bổ còn thấp, thủ tục vay phức tạp nên chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của Nhân dân.
Đồng chí Tô Viết Hiệp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Na Hang phát biểu
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về những tồn tại, hạn chế và bàn ra giải pháp trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội đề nghị thời gian tới, huyện Na Hang cần thực hiện tốt công tác rà soát hiện trạng rừng, tình trạng sử dụng đất đai; có phương án đề suất chuyển đổi đất, phân chia, tiến hành giao đất, giao rừng cho nhân dân. Tăng cường việc chi trả giao khoán, bảo vệ rừng, thực hiện tốt việc xây dựng quy ước, hương ước về giao khoán, bảo vệ rừng; công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về rừng; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình trên địa bàn.
Trước đó, đoàn công tác Hội đồng dân tộc Quốc hội đã làm việc với UBND xã Thanh Tương về thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2023.
Tin, ảnh: Hà Huế