Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Những phong tục tập quán truyền thống, kết hợp với sự hạn chế về nhận thức đã khiến nhiều vùng rơi vào vòng luẩn quẩn của nghèo đói, bệnh tật và các hệ lụy xã hội. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã và đang dần được đẩy lùi nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực từ chính cộng đồng. Trong đó, Chương trình tuyên truyền tổng hợp “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” đã mang lại những kết quả khả quan và tác động tích cực đến nhận thức, hành vi của người dân tai huyện vùng cao Na Hang.
Chương trình tuyên truyền tổng hợp: “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” được đông đảo bà con đón nhận
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Vừa qua, Trung tâm VHTT&TT huyện Na Hang đã phối hợp với Phòng Dân tộc huyện và UBND các xã trên địa bàn huyện, tổ chức Chương trình tuyên truyền tổng hợp “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” thu hút đông đảo nhân dân đến xem và cổ vũ.
Chương trình tuyên truyền đã thực sự trở thành cầu nối để đem các chủ trương chính sách đến với người dân. Chương trình này được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, gồm các hoạt động không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức pháp luật mà còn tạo ra không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng. Các tiết mục ca múa nhạc, tiểu phẩm với nội dung sâu sắc về tình yêu quê hương, nét đẹp văn hóa truyền thống và hơn hết là nói lên hậu quả nghiêm trọng của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống mang lại, đã thực sự chạm đến trái tim của nhiều người.
Điển hình như chương trình tuyên truyền tổng hợp “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” tổ chức tại thôn Bản Tâng, xã Đà Vị, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ đông đảo bà con trên địa bàn. Thôn Bản Tâng, xã Đà Vị, có 111 hộ dân và 514 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Tày chiếm trên 90%. Nơi đây, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từng là vấn đề khiến cộng đồng phải trăn trở, bởi những tập quán này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, giáo dục của trẻ em mà còn kìm hãm sự phát triển bền vững của thôn bản. Năm 2023, trong thôn ghi nhận một trường hợp tảo hôn, khi đó cô gái Hoàng Thị Th mới chỉ 15 tuổi đã làm mẹ ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, và chi bộ, đoàn thể thôn bản, kết hợp với các chương trình tuyên truyền tổng hợp sâu rộng, nhận thức của bà con về vấn đề này đang dần thay đổi một cách rõ rệt. Năm 2024, thôn Bản Tâng không còn trường hợp tảo hôn nào.
Những nỗ lực từ chương trình tuyên truyền tổng hợp đã dần mang lại kết quả nhất định, Tỷ lệ tảo hôn tại nhiều địa phương đã giảm đáng kể. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng thành công bước đầu của chương trình tuyên truyền cho thấy sự thay đổi trong nhận thức là hoàn toàn có thể, nếu được thực hiện đúng cách và kiên trì. Những hoạt động này không chỉ giúp tuyên truyền về Luật hôn nhân và gia đình, mà còn góp phần gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong thời đại mới. Với sự kiên trì và quyết tâm của các cấp chính quyền cùng việc triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem đến những ánh sáng hy vọng đầu tiên. Từ những thôn bản xa xôi, một hành trình thay đổi đang dần hiện hữu, khẳng định rằng với sự đồng lòng, vấn nạn tạo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Na Hang sẽ sớm được đẩy lùi.
Bài, ảnh: Thành Nho