Bất bình đẳng giới vẫn đang gây trở ngại đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, huyện Na Hang nói riêng. Quyết định từng bước thay đổi điều đó, hiện nay các cấp, các ngành của huyện đã và đang tập trung tuyên truyền, vận động tác động đến người dân nâng cao ý thức dần dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.
Chị em phụ nữ xã Sinh Long tham gia Lễ hội chè Shan Tuyết năm 2023
Những năm gần đây, huyện Na Hang đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 1898 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành chức năng của huyện Na Hang, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã triển khai nhiều hoạt động, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức về hành vi thực hiện bình đẳng giới, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện linh hoạt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tờ rơi, áp phích, tuyên truyền miệng... đã làm cho các nội dung của Đề án dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tiễn, đặc biệt là các tình huống trong thực thi pháp luật về bình đẳng giới.
Căn cứ kế hoạch của UBND huyện Na Hang về thực hiện Đề án, phòng Dân tộc huyện đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai cụ thể. Tại các xã đã triển khai mô hình, hoạt động tuyên truyền đã vận dụng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền gián tiếp qua video, thi kiến thức qua hình thức trắc nghiệm, thi tiểu phẩm…; tổ chức các lớp tập huấn về thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng. Các nội dung tập trung tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Những câu chuyện về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, trọng nam khinh nữ, sự can thiệp của các tổ chức, đoàn thể trong vấn đề tảo hôn… được tái hiện sinh động và hấp dẫn. Mỗi tiểu phẩm đều chứa đựng trong đó những thông điệp ý nghĩa và có giá trị giáo dục cao. Các hình thức thể hiện sự sáng tạo, đa dạng, phong phú. Với sự vào cuộc một cách đồng bộ để tạo sức lan tỏa, đến nay, hội liên hiệp phụ nữ huyện đã xây dựng được 18 tổ truyền thông cộng đồng lồng ghép trong truyền thông bình đẳng giới, thành lập 18 mô hình địa chỉ tin cậy tại 100% các xã thị trấn.
Việc tăng cường công tác truyền thông đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên và Nhân dân về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Những kết quả đạt được đã dần khẳng định vị trí, vai trò của người phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại lớn nhất đối với phụ nữ và trẻ em người dân hiện nay đó là vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Do dó, trong thời gian tới, Hội phụ nữ huyện sẽ tiếp tục phối hợp triển khai bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai chính sách, pháp luật về bình đẳng giới thuộc các chuyên đề như: Bình đẳng giới, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng phát hiện và tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn huyện./.
Bài, ảnh: Vương Tấn