Mái nhà vững – lòng dân yên

10/05/2025 - 15:00
102

Dân vận khéo là một trong những yếu tố quan trọng trong việc tạo sự đồng thuận và sức mạnh cộng đồng, đặc biệt trong các chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã Thanh Tương (Na Hang) luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác dân vận tại cơ sở, giúp người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhà tạm, nhà dột nát - Những khó khăn, vất vả của người dân

Xã Thanh Tương, huyện Na Hang có tổng diện tích tự nhiên là 10.269,41 ha; xã có địa hình chia cắt, chủ yếu là đồi núi, đường giao thông đi lại khó khăn. Xã có 776 hộ dân với 3.490 khẩu, trong đó có hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo thống kê đến hết năm 2024, xã Thanh Tương còn 7,1% hộ nghèo và 5,7% hộ cận nghèo. Đặc biệt, một trong những vấn đề mà cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đó là vẫn còn nhiều hộ dân đang sống trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát. Qua rà soát, hiện nay xã Thanh Tương còn trên 60 căn nhà tạm, nhà dột nát, chủ yếu là của các hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi neo đơn, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những ngôi nhà được làm tạm bằng gỗ, tre nứa, mái lợp tôn cũ hoặc lá cọ, không đảm bảo an toàn cho bà con sinh hoạt. Mỗi mùa mưa về là mỗi lần người dân nghèo lại thấp thỏm lo âu, những mái nhà tạm bợ, xiêu vẹo không chỉ là nơi cư trú thiếu an toàn, mà còn là nỗi khổ của bà con đang phải sống trong ngôi nhà tạm, nhà dột nát.

Bà Quan Thị Thêm, 38 tuổi là hộ cận nghèo tại thôn Nà Đồn (Thanh Tương) sống cùng hai con nhỏ trong căn nhà gỗ đã cũ, mục nát, trời mưa to gió lớn thì dột, thậm chí có thể bị tốc mái không đảm bảo an toàn cho ba mẹ con. Năm kia chồng bà bị bệnh hiểm nghèo và đã qua đời, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Bà Thêm nói “Tôi chỉ ước mơ có được căn nhà kín gió, an toàn không sợ mưa dột là mãn nguyện rồi”, bà chia sẻ trong nước mắt.

 Hình ảnh ngôi nhà tạm, dột nát của gia đình bà Thêm trước khi làm nhà mới

Không riêng gì gia đình bà Thêm, mà trên địa bàn còn nhiều hộ dân trong hoàn cảnh tương tự. Theo thống kê, xã Thanh Tương có 62 hộ dân đang sống trong các căn nhà xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Trong số đó, phần lớn là người già neo đơn, người tàn tật, hộ nghèo, cận nghèo, không có khả năng tự cải thiện chỗ ở. Mỗi ngôi nhà tạm là một nỗi lo, là câu chuyện buồn đong đầy nước mắt của người dân. Khó khăn chồng chất khó khăn. Không nhà cửa kiên cố, người dân không dám vay vốn làm ăn, không dám đầu tư cho con cái học hành. Ngôi nhà - tổ ấm cần thiết nhất - lại trở thành rào cản khiến cuộc sống của họ càng lùi lại phía sau.

Những ước mơ đang dần được hình thành

Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc địa phương đã xác định: Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là nhiệm vụ mang tính nhân văn sâu sắc. Và để thực hiện hiệu quả, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xác định xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải làm ngay và công tác dân vận khéo chính là “chìa khóa”, là giải pháp mở ra những cánh cửa hi vọng cho người dân nghèo nơi đây. Theo Quyết định số 818/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 của Ủy ban nhân dân huyện Na Hang về việc phê duyệt danh sách hộ gia đình được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Na Hang, theo đó xã Thanh Tương có 62 hộ được hỗ trợ (trong đó có 37 nhà được hỗ trợ làm mới, 25 nhà được hỗ trợ sửa chữa). Biết được tin này, nhân dân vô cùng vui mừng, phấn khởi, những ước mơ mà bao người dân mong mỏi đang dần được hình thành.

Khi triển khai thực hiện, cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã đã chủ động rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng các hộ cần hỗ trợ, xây dựng kế hoạch với những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Những buổi họp chi bộ, họp thôn, bản đã thành diễn đàn để người dân góp ý, đề xuất giải pháp; đối với những hộ đặc biệt khó khăn, neo đơn, thiếu nhân lực thực hiện xã vận động cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân hỗ trợ ngày công, đóng góp vật tư. Bện cạnh đó còn xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo trong quá trình triển khai như: Tổ chức "Ngày thứ Bảy tình nguyện vì dân", cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang tham gia lao động tình nguyện không đòi hỏi ngày công hỗ trợ các hộ dân, việc làm này không chỉ tiết kiệm chi phí thuê nhân công mà còn thể hiện rõ tinh thần "gần dân, vì dân". Hay các giải pháp gắn công tác dân vận với xây dựng nông thôn mới và huy động xã hội hóa kinh phí hỗ trợ người dân. Qua những việc làm này đều thấm đẫm tình người, niềm tin yêu và sự chia sẻ, xây dựng sự gắn kết chặt chẽ với nhân dân.

z6616760690130_eb4f96aafdae82cfade9d633e8d2ce38.jpg

z6616763409985_8185ce0f42b70760a0acf1ec51bfd8b1.jpg

 Hình ảnh cán bộ, đảng viên, LLVT và nhân dân hỗ trợ ngày công giúp các hộ dân xóa nhà tạm, nhà dột nát

Không chỉ dừng lại ở sự tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền địa phương còn trực tiếp đứng ra vận động xã hội hóa kinh phí, kêu gọi tài trợ từ doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cán bộ công chức và nhân dân quyên góp được hơn 300 triệu đồng hỗ trợ các hộ dân xóa nhà tạm, nhà dột nát. Công tác dân vận khéo không chỉ thể hiện qua số tiền quyên góp hay số lượng nhà được hỗ trợ, mà còn ở cách thức triển khai đầy trách nhiệm, công tâm. Từng hộ dân được xác minh kỹ lưỡng, đảm bảo đúng đối tượng, không bỏ sót, không trùng lặp. Niềm tin của nhân dân được củng cố khi họ thấy cấp ủy, chính quyền đồng hành, minh bạch và gần gũi hơn bao giờ hết.

Chính trong quá trình ấy, những ước mơ tưởng chừng xa vời nay đã thành hiện thực. 62 hộ có nhà tạm, nhà dột nát nay đã có tên trong danh sách hộ được hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà. Những ánh mắt vui mừng, những nụ cười hi vọng đang dần xua đi bóng tối của sự lo âu, khổ cực.

Những ngôi nhà đậm nghĩa tình

Tính đến nay, trên địa bàn xã Thanh Tương đã có 61/62 ngôi nhà đã được khởi công xây dựng mới và sửa chữa. Những ngôi nhà đã hoàn thiện và đang dần hoàn thiện chan chứa tình cảm, đậm nghĩa tình của các cấp, các ngành và địa phương đối với bà con nơi đây. Mỗi căn nhà là kết quả của sự chung sức, đồng lòng giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân; giữa người với người; giữa trái tim với trái tim. Những kết quả đó chính là minh chứng rõ rệt cho tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cộng đồng. Và hơn hết, là sự phấn khởi, tin tưởng của nhân dân - điều kiện tiên quyết để xây dựng một xã hội ổn định, phát triển bền vững.

Căn nhà mới của bà Thêm được xây dựng trên chính mảnh đất cũ. Nhà có mái tôn lạnh, tường gạch vững chắc, nền cao ráo. “Từ ngày có nhà mới, gia đình tôi ngủ ngon, ăn ngon, không còn lo âu nữa. Mỗi sáng mở mắt ra đó là niềm vui, sự bình yên, những nét vui tươi, rạng ngời hiện trên khuôn mặt của bà và trẻ nhỏ” bà nói với ánh mắt súc động và biết ơn Đảng và Nhà nước vô cùng.

z6616761708695_3b741e7cbf6f3d6fc0166c4f820dd3d1.jpg

z6616762059570_e170e12dced20c2371ee0b68362b9027.jpg

 

Ngôi nhà mới của bà Thêm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng

Không chỉ có giá trị về vật chất, những ngôi nhà mới còn mang giá trị tinh thần to lớn. Chúng là biểu tượng của sự đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng. Người góp tiền, người góp công, người góp lời động viên - tất cả hòa quyện tạo nên “Những ngôi nhà đậm nghĩa tình” đúng nghĩa. Qua chương trình, người dân càng hiểu rõ hơn giá trị của cộng đồng, của tình làng nghĩa xóm, của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng thấy được sức mạnh vô hình từ lòng dân, từ những hành động nhỏ bé nhưng đầy nhân văn của bà con.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng công tác dân vận khéo không chỉ là việc làm “đúng” mà còn là việc làm “đẹp”. Thành quả 62 căn nhà tạm, nhà dột nát đã được Đảng, Nhà nước, cấp trên hỗ trợ làm mới và sửa chữa và hơn 300 triệu đồng xã hội hóa tại địa phương và hàng trăm ngày công lao động của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân không chỉ phản ánh hiệu quả chính sách, mà còn là sự khẳng định vai trò then chốt của công tác dân vận trong đời sống xã hội. Nhưng với những kinh nghiệm đã có, những thành quả đã đạt được, và trên hết là niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền, hành trình nhân văn này chắc chắn sẽ được tiếp tục - bền bỉ, sâu rộng và đầy tình người. Từ những kinh nghiệm trong công tác Dân vận của Đảng mà xã Thanh Tương đã vận dụng hiệu quả trong thời gian qua và những nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong thời gian tới, nhất định xã Thanh Tương sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa, với mục tiêu xây dựng Thanh Tương trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2025./.

Tác giả: Phạm Tiến Sỹ

bình luận

Tìm kiếm

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NA HANG

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Na Hang.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Trọng Đoan - Ủy viên BTV huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Na Hang.

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn Thạch - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Truyền thông và Thể thao huyện Na Hang.

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 09/GP-TTĐT do Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 26/04/2019.

Trung tâm Văn hóa Truyền thông và Thể thao huyện Na Hang, Tổ dân phố 4, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang