Những năm gần đây, huyện Na Hang đã cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ duy trì ổn định diện tích sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực, Na Hang còn chú trọng phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao. Việc mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề cho sự hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, từng bước xây dựng các chuỗi liên kết giá trị và hướng tới sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.
Chè Shan tuyết Hồng Thái
Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện duy trì ổn định diện tích sản xuất, đồng thời chú trọng chỉ đạo sản xuất theo đúng khung thời vụ, áp dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật tiên tiến. Mục tiêu là tối ưu hóa năng suất trên đơn vị diện tích, tạo ra sản lượng nông sản ổn định và chất lượng. Song song với đó, huyện đã chủ động khuyến khích và hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Một trong những định hướng quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp của Na Hang là khuyến khích sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Huyện nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời nắm bắt xu hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp hiện đại.
Việc gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cũng được đặc biệt chú trọng, nhằm tạo ra chuỗi giá trị khép kín, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Diện tích và sản lượng của các loại cây trồng chủ lực không ngừng được duy trì và phát triển, đi kèm với đó là sự nâng cao về chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm nông sản của Na Hang đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường và đạt được các chứng nhận uy tín như OCOP, VietGAP, hữu cơ. Cụ thể: Cây chè đặc sản đang khẳng định vị thế là một trong những sản phẩm chủ lực của Na Hang với tổng diện tích hiện có 1.357,4 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm đạt 1.338,2 ha, sản lượng búp tươi ước đạt 4.015 tấn. Đáng chú ý, trên 116,7 ha chè đã được cấp Chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia, với sản lượng dự kiến 248 tấn/năm. Chất lượng chè Na Hang ngày càng được nâng cao, minh chứng là 04 sản phẩm chè đã được chứng nhận OCOP, trong đó sản phẩm Chè Shan tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá của HTX Sơn Trà đang được đánh giá để đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia; Cùng với chè, cây lúa nếp đặc sản cũng là một thế mạnh của huyện với diện tích 88 ha, sản lượng khoảng 458 tấn, trong đó 20 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng dự kiến 155 tấn/năm. Hiện có 04 Hợp tác xã tham gia sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm này, với các sản phẩm nổi bật như Gạo nếp Khẩu Láng của HTX Nông nghiệp Thượng Nông và cốm xanh của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thượng Giáp đã được chứng nhận OCOP 3 sao; huyện cũng chú trọng phát triển các loại cây ăn quả đặc sản, bao gồm: 110,6 ha cây lê, 47,1 ha cây hồng không hạt và 1,3 ha cây mận bản địa. Trong đó, 04 ha cây lê đã được chứng nhận VietGAP với sản lượng dự kiến 16 tấn/năm. Các hợp tác xã sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ngày càng lớn mạnh, với sản phẩm quả Lê Khâu Tràng (HTX Nông nghiệp Tân Hợp, xã Hồng Thái) đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao và bảo hộ nhãn hiệu;…
Đối với lĩnh vực chăn nuôi thú y, huyện Na Hang tập trung vào việc hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả kinh tế được nhân rộng, khuyến khích người dân tái đàn và phát triển các vật nuôi bản địa có giá trị như: gà H'mông, lợn đen, bò H'mông, dê, ngựa… Mục tiêu là từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu và chu trình OCOP. Toàn huyện hiện có trên 7.987 hộ chăn nuôi, với số hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ngày càng tăng, đảm bảo duy trì và phát triển ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm.
Phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang
Với lợi thế diện tích lòng hồ thủy điện Tuyên Quang rộng lớn, phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá đặc sản, cũng trở thành hướng đi chiến lược của huyện Na Hang. Hiện nay, toàn huyện có gần 1.300 lồng cá các loại, trong đó có 850 lồng nuôi cá đặc sản như: cá lăng, cá chiên, cá nheo, cá bỗng… những loài cá có giá trị kinh tế cao. Các sản phẩm cá đặc sản Na Hang đã bước đầu khẳng định được thương hiệu trên thị trường với sản lượng đạt gần 5.000 tấn/năm. Nhiều cơ sở, hợp tác xã đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Na Hang trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh và phát triển bền vững, huyện cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản địa phương, đồng thời chú trọng đến phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ.
Có thể thấy, từ những cây trồng, vật nuôi đặc sản, huyện Na Hang đã và đang từng bước nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn kết với xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững. Việc tập trung đẩy mạnh các sản phẩm chủ lực không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nền tảng vững chắc để Na Hang tiến tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại và hội nhập sâu rộng trong tương lai.
Thực hiện: Vương Tấn