Những năm qua, tình trạng tảo hôn vẫn sảy ra tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của huyện Na Hang, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước thực trạng này, UBND huyện Na Hang đã ban hành các Kế hoạch về thực hiện “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhẳm từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương.
Chương trình văn nghệ tổng hợp tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Phòng Dân tộc và Trung tâm VHTT&TT huyện phối hợp thực hiện tại thôn Bản Muồng, xã Thượng Giáp
Thực hiện kế hoạch của UBND huyện, thời gian gần đây, chính quyền các địa phương, các đoàn thể trong huyện đã tích cực vào cuộc tuyên truyền bằng nhiều giải pháp với nội dung, hình thức phù hợp, linh hoạt nhằm nâng cao nhận thức cho bà con trong việc phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Một trong những giải pháp thực hiện có hiệu quả đó là tăng cường giáo dục giới tính trong trường học.
Bà Trần Thị Thoa, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Những năm trước tình trạng tảo hôn đã trở thành vấn đề nhức nhối trong vùng đồng bào DTTS ở huyện Na Hang, trong đó, không ít học sinh trong các trường học ở vùng sâu, vùng xa bỏ học để lấy vợ, lấy chồng. Để giảm thiểu tình trạng này, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn đưa nội dung giáo dục giới tính vào trường học và coi như một môn học phụ.
Các buổi ngoại khóa về giáo dục giới tính tại các trường học đã và đang trở thành hoạt động thường niên. Vấn đề về tình bạn, tình yêu trong lứa tuổi học sinh, cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục, hay vấn đề xâm hại, lạm dụng tình dục vị thành niên và cách phòng tránh... đều được cô giáo truyền đạt một cách cởi mở, dễ hiểu, tạo sự hào hứng trong học sinh. Hoạt động ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục giới tính được các trường tổ chức theo tháng tại lớp học hoặc nhóm lớp học, hướng đến đối tượng học sinh nữ ở bậc THCS và THPT. Tuyên truyền viên thường là cán bộ dân số chuyên trách, hoặc có khi là chính các thầy cô giáo trong các nhà trường.
Nhận thấy những ảnh hưởng của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống làm kéo lùi sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng đến giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực. Ủy ban nhân dân huyện Na Hang đã tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn trong Nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS về sức khỏe tiền hôn nhân, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đưa giáo dục giới tính với các chủ đề tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào trường học. Đồng thời, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hình sự, Luật Hộ tịch. Làm tốt công tác quản lý, đăng ký hộ tịch, quản lý trẻ vị thành niên, đăng ký kết hôn. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của Người có uy tín, già làng, trưởng bản và công chức, viên chức các xã, thị trấn trong tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Ông Hoàng Hùng Chảnh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Na Hang cho biết: Giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn huyện Na Hang có 53 cặp tảo hôn, chiếm 9,03% so với tổng số cặp đăng ký kết hôn. Trong đó dân tộc Mông 8 cặp, dân tộc Tày 11 cặp, dân tộc Dao 17 cặp còn lại là các dân tộc khác.
Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Trong giai đoạn 2021 - 2024, Phòng Dân tộc huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành 4 văn bản về thực hiện “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”. Chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt kịp thời những diễn biến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, trên cơ sở đó làm tốt công tác tuyên truyền vận động và có biện pháp ngăn chặn kịp thời nạn tảo hôn ngay từ cơ sở. UBND các xã, Thị trấn cũng đã chỉ đạo các thôn, bản đưa mục tiêu giảm thiểu tình trạng tảo hôn vào kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm; tổ chức ký cam kết không tảo hôn giữa các hộ gia đình với trưởng thôn, giữa trường thôn với UBND xã. Đặc biệt, các xã đã thành lập các tổ tư vấn ở các thôn, bản gồm những người có uy tín, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, gần gũi, dễ tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao về tảo hôn, trực tiếp nắm tình hình để đưa ra các nội dung cần tư vấn, tuyên truyền. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Phòng dân tộc huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện sản xuất các phóng sự phát thanh, truyền hình tuyên truyền tác hại – những hệ lụy khôn lường từ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống phát sóng trong chương trình phát thanh hằng ngày và trên hệ thống truyền thanh cơ sở để góp phần làm thay đổi nhận thức của nhân dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên tổ chức 156 buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực, luật bình đẳng giới cho trên 117 nghìn lượt người. Cấp phát trên 320 tờ rơi; tổ chức các buổi tư vấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho đồng bào các dân tộc.
Trong quá trình tuyên truyền các tổ chức đoàn thể đã chọn những người như: Già làng, người có uy tín, hoặc ban công tác trong thôn để “kể” những câu chuyện có thật, những hệ lụy do tảo hôn để lại, những chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ngăn chặn tình trạng tảo hôn. Hội LHPN các xã luôn đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động đến hội viên, nhất là hội phụ nữ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và luôn nhắc nhở con cái, sự phát triển của con trong giai đoạn dậy thì, từ đó gần gũi hơn, kịp thời uốn nắn, động viên con em mình. Bằng giải pháp mang tính lâu dài "mưa dầm thấm lâu" đã dần làm thay đổi nhận thức của người dân về tảo hôn. Đến nay tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Na Hang dã cơ bản được loại bỏ.
Để tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới huyện Na Hang sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trọng tâm là làm tốt công tác truyền thông theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về chống tảo hôn. Chỉ đạo lồng ghép nội dung chống tảo hôn vào hương ước, quy ước của cộng đồng. Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường, nhất là cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú - nhóm tuổi học sinh dễ bỏ học để nâng cao nhận thức cho các em. Tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ thành viên, phát huy vai trò của các già làng, người uy tín trong công tác tuyên truyền, giáo dục thanh, thiếu niên không tảo hôn, gia đình không cho con tảo hôn, chính quyền không hợp thức hóa việc tảo hôn. Góp phần nâng cao chất lượng dân số trong vùng DTTS&MN, tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: Đức Toàn