Sau những thiệt hại nặng nề về người và của trong đại dịch Covid-19 vừa đi qua, ngày 07 tháng 9 năm 2024, siêu bão số 03 (Yagi) - Cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm qua đã đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Tuy không nằm trong tâm bão, nhưng công tác ứng phó với ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã được Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự huyện Na Hang triển khai đồng bộ, quyết liệt, song thiệt hại do bão gây ra vẫn ảnh hưởng lớn đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, có những thiệt hại cần thời gian dài mới có thể khắc phục được. Bão Yagi đi qua đã để lại những bài học lớn về công tác chuẩn bị, ứng phó, phối hợp, xử lý, tái thiết, khôi phục trên tinh thần phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong mọi tình huống thiên tai, nguy hiểm.
Mưa lớn do hoàn lưu của bão số 3 gây ngập lụt các khu dân cư trên địa bàn Thị trấn Na Hang
Những khoảnh khắc lịch sử
Huyện Na Hang - nơi có vị trí tiếp giáp với các huyện thuộc tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng - sau thời gian dài xảy ra mưa lớn đã trở thành “vùng trũng” tiếp nhận hàng trăm triệu mét khối nước từ thượng nguồn sông Gâm, sông Năng đổ về lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang. Với công tác đánh giá, phân tích, chỉ đạo điều tiết liên hồ chứa liên tục về các đợt mở cửa xả đáy nhằm thoát lũ của Ban Chỉ đạo Trung ương, cấp ủy, chính quyền huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang chịu áp lực rất lớn trong công tác chuẩn bị, ứng phó với các tình huống thiên tai ở vùng hạ du. Cụ thể:
Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang mở 08/08 cửa xả đáy chỉ trong 25 giờ đồng hồ: 14 giờ ngày 08/9/2024, mở cửa xả đáy số 01; 20 giờ ngày 08/9/2024, mở cửa xả đáy số 02; 06 giờ ngày 09/9/2024, mở cửa xả đáy số 03; 09 giờ ngày 09/9/2024, mở cửa xả đáy số 04; 11 giờ ngày 09/9/2024, mở cửa xả đáy số 05; 12 giờ ngày 09/9/2024, mở cửa xả đáy số 06; 14 giờ ngày 09/9/2024, mở cửa xả đáy số 07 và đến 15 giờ ngày 09/9/2024, mở cửa xả số 08. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại huyện Na Hang được triển khai ngay trong thời gian rất ngắn, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân là trước hết, trên hết, đồng thời vẫn phải giữ vững ổn định tình hình mọi mặt, nhất là đảm bảo an toàn về người tại khu vực hạ du Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang (trung tâm thị trấn Na Hang và xã Thanh Tương).
Tuy số lượng cửa xả đáy Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang đã mở hết theo thiết kế, nhưng lượng nước đầu nguồn đổ về vẫn có xu hướng tăng và cao hơn sản lượng nước lưu thông qua các cửa xả. Đặc biệt thời điểm 22 giờ 30 phút ngày 09/9/2024, lưu lượng đến hồ Thủy điện Tuyên Quang đạt mức 5.655 m3/s, mực nước thượng lưu về hồ đạt cao trình cos 119/120 m, trong khi đó cos nước hạ lưu thị trấn Na Hang đã đạt 63,25 m. Lượng nước xả ra của Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang lớn và nhanh khiến các khu vực thuộc tổ dân phố 2, 3, 4, 5, 6, 10, 13, 14, Hà Vị, Ngòi Nẻ, Tân Lập của thị trấn Na Hang ngập sâu trong nước. 17 giờ sau khi mở 08 cửa xả đáy, đã có trên 267 triệu m3 nước được xả và chảy về hạ lưu, gây hiện tượng ngập úng tại các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang.
Ngay khi bão số 3 (Yagi) bắt đầu suy yếu, lượng mưa giảm dần, Ban Chỉ đạo Trung ương đã lập tức chỉ đạo đóng lần lượt các cửa xả đáy của Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang để nhân dân khắc phục hậu quả, trở về nhà, ổn định cuộc sống. Có thể nói đây là kỷ lục về mức độ phức tạp, chưa từng có trong lịch sử từ khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang đến nay.
Các đồng chí: Nguyễn Văn Thắng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy (áo nâu); Tô Viết Hiệp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện (áo xanh) kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại thị trấn Na Hang
Hoàn lưu bão số 3 đã gây sạt lở đất, đá, rạn nứt, vỡ một số đoạn kè hạ lưu sông Gâm, gây chia cắt cục bộ các khu vực dân cư trên địa bàn và hệ thống giao thông kết nối với các xã trong huyện và với huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình. Đã có 761 nhà ở bị ảnh hưởng, trong đó có 20 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 19 nhà bị thiệt hại rất nặng, 530 hộ dân phải di dời khẩn cấp; 83 công trình hạ tầng, điểm dân cư bị sụt lún, có nguy cơ cao sạt lở xuống lòng sông Gâm.
Nhiều nhà dân tại tổ dân phố 2, thị trấn Na Hang bị đổ, sập hoàn toàn sau bão
Mưa lũ đã cuốn trôi và vùi lấp 53,9 ha lúa; 27 ha ngô; 70 con gia súc, 1.403 gia cầm, 2,11 ha diện tích ao nuôi thủy sản, 51 lồng cá và trên 25 tấn thủy sản của nhân dân. 08 điểm trường trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng, trong đó nhà bán trú của giáo viên và học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Thượng Nông bị rạn, nứt, nguy cơ đặc biệt nguy hiểm, mất an toàn, hơn 200 giáo viên và học sinh phải di dời khẩn cấp. Mưa lũ cũng đã làm sạt lở trên 50.000 m3 đất đá, gây tắc nghẽn nhiều điểm trên các tuyến Quốc lộ 2C, Quốc lộ 279, Quốc lộ 280; đường Đà Vị - Hồng Thái, đường kết nối từ xã Hồng Thái đến huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Cạn; đường Yên Hoa đi Sinh Long; đường Sinh Long kết nối với huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang; đường từ xã Yên Hoa đi Khâu Tinh và các tuyến đường liên thôn, liên xã khác; hệ thống điện bị gãy đổ gây mất điện trên diện rộng, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn; 15 công trình thủy lợi, công trình nước sạch bị hư hỏng, cuốn trôi. Tổng thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 (Yagi) gây ra cho huyện Na Hang ước tính trên 250 tỷ đồng.
Công tác chỉ đạo ứng phó sớm
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện thường xuyên phối hợp, trao đổi với lãnh đạo Công ty Thủy điện Tuyên Quang về diễn biến mực nước hồ. Từ ngày 05/9 đến ngày 10/9/2024, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành 16 văn bản chỉ đạo, tổ chức 08 cuộc họp trực tiếp và trực tuyến để kịp thời quán triệt các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và của Huyện ủy; đánh giá tình hình và giải pháp ứng phó trong trường hợp xấu nhất khi Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang mở hết 08 cửa xả đáy và 04 cửa xả mặt. Cả hệ thống chính trị huyện Na Hang đều được huy động vào cuộc, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn được bố trí thường trực 24/24h để tiếp nhận và xử lý nhanh mọi tình huống. Các cơ quan, đơn vị, địa phương dừng, hoãn các cuộc họp không cấp thiết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 03 (Yagi).
Đồng chí Tô Viết Hiệp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trường Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện chủ trì cuộc họp ứng phó khẩn cấp với tình hình mưa lũ do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (buổi trưa ngày 09/9/2024)
Tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về ứng phó với mưa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt quan tâm và ưu tiên bảo vệ tính mạng con người; rà soát, cắm biển cảnh báo, thành lập các tổ chốt chặn tại cầu Thủy Văn tổ dân phố 2, cầu Ba Đạo, cầu sắt tổ dân phố 4... không để người dân tự ý, cố ý qua cầu khi nước đầu nguồn đang về hoặc mực nước đang lên nhanh. Tập trung rà soát các điểm, vùng sạt lở, tham mưu biện pháp, giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất. Huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương di chuyển người dân, đồ đạc, dọn dẹp, thống kê thiệt hại, sớm khôi phục lưới điện, hệ thống viễn thông giúp người dân ổn định cuộc sống.
Trước khi bão số 3 ảnh hưởng, 17 giờ ngày 07/9/2024, huyện đã thực hiện di chuyển 21 hộ dân sống trong vùng nguy cơ cao bị sạt lở đất đến nơi tạm cư. Sau khi bão bắt đầu ảnh hưởng, tiếp tục di chuyển 615 hộ dân (530 hộ bị ngập nước do xả lũ Thủy điện Tuyên Quang; 185 hộ có nguy cơ cao bị sạt lở) đến nơi tạm cư để đảm bảo an toàn.
Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân. Cử lực lượng công an, quân đội, cán bộ, công chức xuống các tổ dân phố, xã Thanh Tương kiểm tra, hỗ trợ người dân chằng chống, di chuyển lồng, bè, nhà nổi, tài sản đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Thanh Tương ứng trực thường xuyên tại bến đò sang thôn Bắc Danh và Nà Coóc.
Các lực lượng huyện Na Hang hỗ trợ người dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn
Khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão
Để hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục thiệt hại của mưa lũ, trên 2.000 cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, người lao động đã tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn với lực lượng công an, quân đội là nòng cốt. Huy động 25 xe ô tô của các cơ quan, đơn vị, 02 xe cứu thương, trên 100 phương tiện gồm: Ca nô, xuồng máy, máy xúc, máy ủi, xe tải, xe máy của các cơ quan, tổ chức, người dân tham gia công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả. Ủy ban nhân dân huyện đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 960 triệu đồng để các xã, thị trấn khắc phục hậu quả mưa lũ và thăm hỏi động viên các hộ gia đình khó khăn, bị thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra.
Các đồng chí lãnh đạo huyện thăm hỏi một số gia đình bị thiệt hại nặng do mưa lũ
Sau khi thiên tai xảy ra có rất nhiều các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đã dành những hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần giúp nhân dân Na Hang khắc phục hậu quả của mưa bão, thể hiện nghĩa cử “tương thân tương ái” cao đẹp, đáng trân quý. Ban Vận động cứu trợ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên quang đã phân bổ kinh phí từ nguồn cứu trợ 3.208 triệu đồng để hỗ trợ huyện Na Hang khắc phục hậu quả của mưa lũ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã vận động các tổ chức cá nhân ủng hộ được hơn 500 triệu đồng tiền mặt và trên 35 tấn lương thực, thực phẩm các loại; kết nối cho các tổ chức, cá nhân thiện nguyện trong cả nước hỗ trợ trực tiếp các hộ dân bị thiệt hại trên 40 tấn lương thực, thực phẩm.
Các tổ chức cá nhân trao tiền, hàng hỗ trợ huyện Na Hang khắc phục hậu quả mưa lũ thông qua Ủy ban MTTQ huyện
Vẫn còn có sự chủ quan trong công tác ứng phó, thực hiện
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, dù Thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, sát sao từ sớm, từ xa, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó, song thiệt hại do hoàn lưu bão gây ra cho huyện Na Hang là khá lớn, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của xã hội, có những thiệt hại cần thời gian dài mới có thể khắc phục được.
Nguyên nhân khách quan: Bão số 3 (Yagi) là cơn bão rất mạnh, có diễn biến thất thường, ảnh hưởng nặng nề và chưa từng có tiền lệ, trái với quy luật của nhiều năm, gây khó khăn cho công tác dự báo, cảnh báo đến người dân. Trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai của huyện và các địa phương còn thiếu, đặc biệt là các vật tư, thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau thiên tai còn hạn chế, khó khăn. Mặt khác, địa bàn huyện Na Hang có dân cư sống phân tán, bị chia cắt bởi nhiều đồi, núi, khe, lạch, sông, suối nên khi lượng mưa to thường gây ra các đợt lũ quét, sạt lở đất, làm thiệt hại đến tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và của nhân dân. Công tác kiểm tra, rà soát, cảnh báo, dự báo, thông tin tuyên truyền các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn cục bộ còn nhiều hạn chế...
Nguyên nhân chủ quan: Bão số 3 (Yagi) đã được dự báo, cảnh báo về độ nguy hiểm liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi bão đổ bộ vào đất liền 7 ngày (từ ngày 01- 07/9). Công tác lãnh đạo chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếu cứu nạn huyện cũng đã được thực hiện rất quyết liệt từ sớm, từ xa nhưng khi sảy ra mưa, lũ nhiều địa phương vẫn bị động, lúng túng trong công tác ứng phó. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn chủ quan, chưa tích cực trong thực hiện công tác ứng phó với hoàn lưu bão, nhất là thời gian đầu bão đổ bộ; việc thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bão đến người dân chưa kịp thời. Một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, không có phương án phòng, chống thiệt hại cho gia đình. Tuy đã được các cơ quan chức năng cảnh báo từ sớm nhưng do thời gian mở cửa xả đáy của Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang liên tục, cùng với mưa làm lượng nước tăng nhanh, người dân chưa nắm được mức nước dâng theo số cửa xả, khiến hàng trăm hộ gia đình phía hạ lưu bị ngập nước, không kịp thu gom, di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn, dẫn đến có hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại nặng nề.
Nhà máy thủy điện Tuyên Quang mở liên tiếp 6 cửa xả đáy trong ngày 09/9/2024 (Ảnh chụp lúc 13 giờ ngày 09/9)
Những bài học kinh nghiệm quý báu
Qua triển khai ứng phó với hoàn lưu bão số 3 đã để lại cho huyện Na Hang những bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác phòng chống thiên tai đó là:
Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để chủ động trong chỉ đạo điều hành cần quan tâm, đầu tư thích đáng; đồng thời phải đảm bảo duy trì và có phương án về đảm bảo thông tin, liên lạc thông suốt, hệ thống điện từ các nguồn cung cấp nhằm phục vụ công tác chỉ huy, điều hành tại trung tâm cấp huyện, cấp xã; có phương án về phương tiện cho trung tâm chỉ huy các cấp trong mọi tình huống, nhất là xuống, tàu, thuyền, bè, áo phao, vật tư, vật phẩm, thực phẩm thiết yếu phục vụ các lực lượng và cho công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời hơn.
Nhóm, cụm dân cư từ 02 hộ gia đình trở lên đều phải có phương án tương trợ nhau ngay tại địa bàn, khu vực sinh sống. Công tác truyền thông, cảnh báo, dự báo phải được đưa ra bằng những hình ảnh minh hoạ dễ hiểu, thể hiện rõ tác động có thể xảy ra với từng đối tượng (nhà ở, cây xanh, tàu thuyền,…) để nâng cao nhận thức, hiểu biết về mức độ tàn phá của bão lũ, nhằm khắc phục tư tưởng chủ quan trong công tác ứng phó. Đồng thời, đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến được người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Công tác phối hợp chỉ đạo, điều phối liên ngành là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai. Việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” trong các tình huống khẩn cấp là hết sức cần thiết. Đặc biệt, huyện Na Hang đã tích cực, chủ động huy động nguồn lực tổng hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nhân dân trong đó phát huy vai trò lực lượng xung kích cơ sở, cùng với kinh nghiệm, sự hiểu biết về thiên tai của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại, sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.
Cán bộ và nhân dân thị trấn Na Hang bắt tay vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút
Sau bão số 3, các vị trí nước ngập, nước dâng cần sơ đồ hóa, có mốc giới cụ thể để làm tư liệu, cơ sở xây dựng phương án ứng phó cho các tình huống sau này; công tác tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành phòng, chống thiên tai liên quan đến thể chế, hạ tầng, nhân lực,... cần được đánh giá, rút ra bài học sâu sắc. Chỉ đạo thực hiện ngay việc vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, nước rút đến đâu thì xử lý, tổng vệ sinh đến đó, tránh phát sinh dịch bệnh sau thiên tai.
Để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão lũ, đồng thời có giải pháp căn cơ lâu dài, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 6 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh để sớm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2024 sắp đi qua, người dân huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc lịch sử do hoàn lưu siêu bão số 03 (Yagi) gây ra. Hy vọng rằng, bằng những bài học kinh nghiệm được rút ra, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Na Hang sẽ ứng phó tốt hơn, chủ động hơn, linh hoạt hơn, tạo dựng một cộng đồng bền vững, an toàn trước những thách thức trong tương lai./.
Bài viết của đồng chí Tô Viết Hiệp
Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Na Hang