Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, tình trạng tảo hôn ở xã Thanh Tương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, hiện nay, tình trạng này vẫn diễn ra âm ỉ và dai dẳng khiến chính quyền địa phương phải nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để có thể ngăn chặn, đẩy lùi.
Tăng cường công tác tuyên truyền về hệ lụy tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho người dân
Thôn Nà Đồn có 46 hộ dân, 197 khẩu với 4 dân tộc cùng sinh sống, đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Triệu Văn Chài, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết trước đây, tình trạng tảo hôn trong thôn diễn biến khá phức tạp. Những năm trở lại đây, nhận thức được tảo hôn gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội nên tình trạng này đã giảm đáng kể. Để có được những kết quả tích cực như vây, lãnh đạo thôn đã triển khai trong các cuộc họp thôn, thậm chí đi từng ngõ gõ từng nhà, vừa tuyên truyền vận động, vừa hỏi han để nắm bắt thực tế, nhằm ngăn chặn các vụ việc có thể xảy ra.
Theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Na Hang, trong năm 2023 xã Thanh Tương có 2 cặp tảo hôn. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể so với 5 năm trở lại đây. Để làm được điều này, những năm qua bên cạnh sự quyết liệt vào cuộc của các cấp, ngành liên quan. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội xã Thanh Tương đã không ngừng tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của bà con nhân dân về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, các cơ chế chính sách của nhà nước về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Chỉ tính riêng trong 2 năm trở lại đây, xã đã phối hợp tổ chức được 3 hội nghị tuyên truyền về giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc. Thông qua nhiều hình thức như tại các cuộc họp thôn bản, họp chi hội phụ nữ, tuyên truyền bằng tờ rơi, đến từng nhà để tuyên truyền.
Thực hiện lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong các cuộc họp thôn, bản, đồng thời thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã, người có uy tín tại các thôn bản thường xuyên tuyên truyền đến các hội viên và nhân dân để nâng cao về nhận thức và hậu quả, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, chính quyền và các đoàn thể xã còn chủ động xây dựng quy ước, hương ước chung của thôn bản, như quy định về không tảo hôn, kết hôn sớm; phát huy hiệu quả các mô hình điểm về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các thôn bản trên địa bàn.
Tảo hôn là vấn nạn tồn tại từ lâu trong một bộ phận đồng bào DTTS, không dễ xóa bỏ một sớm một chiều. Để giảm thiểu tình trạng này, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong thời gian tới xã Thanh Tương cần tiếp tục tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho bà con nhân dân để thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.
Bài, ảnh: Hà Huế