Chiều 28/9, tại xã Đà Vị, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức hội nghị tổng kết Mô hình chăn nuôi gà đen H’Mông thương phẩm thả vườn theo hướng an toàn sinh học. Dự hội nghị tổng kết có lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện; đại diện HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tâm Hương; lãnh đạo UBND xã, trưởng các thôn, bản trên địa xã Đà Vị cùng các hộ gia đình tham gia mô hình.
Các hộ gia đình thực hiện Mô hình tham gia tại hội nghị tổng kết
Mô hình chăn nuôi gà đen H’Mông thương phẩm thả vườn theo hướng an toàn sinh học được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân xã Đà Vị triển khai thực hiện tại thôn Nà Pin. Tham gia thực hiện mô hình có 7 hộ gia đình, mỗi hộ được nhận nuôi 100 con gà, giống gà đen H’Mông. Mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống, thức ăn hỗn hợp, vắc xin, thuốc khử trùng, men vi sinh. Hộ gia đình đối ứng tham gia mô hình một phần chi phí thức ăn, củng cố hoặc xây dựng mới chuồng trại, chi phí dụng cụ chăn nuôi; công chăm sóc, nuôi dưỡng và chi phí phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà; đảm bảo diện tích đất để làm chuồng trại và vườn chăn thả; có nguồn nước sạch cho quá trình chăn nuôi; thực hiện tốt các quy định xử lý chất thải bảo vệ môi trường; có nhân lực lao động; được tập huấn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chọn giống, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, dinh dưỡng thức ăn trong chăn nuôi gà thịt, quy trình thú y phòng bệnh cho gà…
Gà H’Mông có chất lượng thịt thơm ngon, ngọt và ít mỡ dưới da; có giá trị dược liệu dùng để bồi bổ cơ thể, chữa một số bệnh về tim, mạch; nấu cao chữa bệnh run tay, chân. Chúng có khả năng tự kiếm ăn tốt, sức đề kháng cao, dễ thích nghi với hình thức nuôi bán chăn thả. Việc chọn lựa đàn gà giống tốt, cùng với việc áp dụng quy trình chăn nuôi gà thịt thả vườn theo hướng an toàn sinh học một cách khoa học sẽ làm tăng năng suất, chất lượng của đàn gà và tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi gà.
Các đại biểu thăm quan thực tế tại Mô hình
Mô hình đã làm cho người nông dân thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi, từ chăn nuôi không kỹ thuật hoặc chăn nuôi ít kiểm soát sang chăn nuôi có kiểm soát, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ vững cảnh quan môi trường và tài nguyên thiên nhiên, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tin, ảnh: Vương Tấn