Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang vừa phối hợp tổ chức tổng kết lớp tập huấn và xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã Sơn Phú, huyện Na Hang; qua mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân và tuyên truyền nhân rộng.
Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn người dân chăm sóc cây chè theo hướng sản xuất hữu cơ
Mô hình được tổ chức thực hiện tại 2 thôn Phia Chang và Nà Cọn với diện tích gần 15 ha, gồm 25 hộ gia đình tham gia; đây là 2 thôn tiêu biểu của địa phương này về sản xuất chè Shan tuyết hữu cơ. Trong thời gian 6 tháng, các hộ sản xuất đã được truyền đạt, tập huấn những kiến thức cơ bản về sản xuất chè hữu cơ PGS theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây; qua đó đã nâng cao nang suất, chất lượng sản phẩm.
Chị Hoàng Thị Thạch, một trong những hộ tiêu biểu trong xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã Sơn Phú cho biết: Gia đình chị có 13.000 mét vuông chè cổ thụ được 90 năm, mỗi tháng gia đình thu hái một lần, sản phẩm chè tươi được hợp tác xã thu mua hết. Nhờ có diện tích chè shan tuyết đó mà gia đình chị có việc làm và thu nhập ổn định.
Còn Anh Đặng văn Dấu, Giám đốc HTX Sơn Trang, xã Sơn Phú, huyện cho biết: Nhận thấy cây chè Shan tuyết trên địa bàn có diện tích lớn, nhưng người dân trong thôn chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế. Năm 2010 anh đã bàn với anh em trong gia đình cùng vay vốn để đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng thành lập tổ sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây chè với 04 thành viên. Sau một thời gian đi vào sản xuất sản phẩm chè của tổ sán xuất đã được thị trường chấp nhận, tạo thu nhập ổn định bình quân 80 triệu đồng/ người/ năm. Việc Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang phối hợp tổ chức tập huấn và xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS đã giúp cho bà con có thêm iến thức về chăm sóc cây chè phát triển để đạt năng suất, chất lượng của cây chè cao hơn, đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Huyện Na Hang có tổng diện tích chè Shan tuyết trên 1.300 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Sinh Long, Sơn Phú, Hồng Thái...Hầu hết diện tích được trồng gần 20 năm nay; nhiều diện tích chè cổ thụ có tới hàng trăm năm tuổi Sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc. Năm 2020 sản phẩm đã được vinh danh thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam; năm 2022 đạt vào tốp 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng Châu Á – Thái Bình Dương. Việc xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ PGS đã giúp người dân tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, bảo vệ cây trồng đặc sản của địa phương. Việc Hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ người dân về kiến thức, khoa học kỹ thuật trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đặc biệt là một số cây có giá trị cao, như cây chè.
Ông Hà Lê Bình, Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân ở huyện Na Hang trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đặc biệt là một số cây có giá trị cao, như cây chè, cây cam và một số cây trồng khác nhằm giúp cho ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Tại buổi tổng kết đánh giá mô hình, Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang đã cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS cho các nhóm, liên nhóm và các hộ tham gia mô hình. Đây là một trong những tiêu trí quan trọng để sản phẩm chè Shan tuyết Phia Chang ngày càng đứng vững trên thị trường.
Bài, ảnh: Vương Tấn