• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NA HANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả mô hình liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo

Hiệu quả mô hình liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo
Ngày xuất bản: 03/01/2020 7:52:41 SA

            Tận dụng tiềm năng về đất đai. Thời gian qua, nhiều hộ gia đình người đồng bào dân tộc Dao ở thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương, huyện Na Hang đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã, liên kết phát triển mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, bước đầu mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho hộ gia đình thành viên.

Được thành lập đầu năm 2019, Hợp tác xã Minh Quang, có địa chỉ tại thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương lúc đầu chỉ có 11 thành viên. Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Minh Quang cho biết: Với hướng đi là tận dụng tiềm năng về đất đai để liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo cung ứng ra thị trường nên ngay từ những ngày đầu thành lập Hợp tác xã đã tập trung vào phát triển mô hình trồng cỏ voi VA 06 trên diện tích hơn 3 ha đất sản xuất. Khi toàn bộ diện tích cỏ phát triển tốt, đảm bảo có nguồn thức ăn cho trâu, bò, HTX đã đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Thành, xã Hoàng Khai (Tuyên Quang) để mua con giống bằng hình thức nuôi theo chuỗi cung ứng trâu, bò thương phẩm ra thị trường. Đến nay, HTX đã xuất bán 2 lứa, với 31 con trâu, 14 con bò. Theo tính toán mỗi con trâu nuôi theo hình thức vỗ béo mỗi tháng trọng lượng tăng khoảng 51kg, trừ chi phí mỗi tháng người chăn nuôi thu lãi khoảng 2 triệu đông/1con. Nếu một hộ gia đình thành viên nuôi 20/1 lứa mỗi tháng có thể cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Nói về hiệu quả của mô hình liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo.

 

Cán bộ phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện hướng dân người dân chuẩn bị nguồn thức ăn cho đàn gia súc

 

Kỹ thuật nuôi trâu, bò vỗ béo không quá khó, nguồn giống là những con trâu, bò không sử dụng để cày kéo, vắt sữa, sinh sản; trâu bò gầy do thiếu dinh dưỡng và không mắc bệnh truyền nhiễm. Để nuôi vỗ béo thành công cần phải thực hiện đúng đối tượng trâu bò vỗ béo, độ tuổi vỗ béo, thức ăn vỗ béo, phòng trị bệnh và ký sinh trùng... Những con trâu, bò thuộc đối tượng nuôi vỗ béo phải được phân theo nhóm tuổi, giống, giới tính, thể trạng và tầm vóc. Trong giai đoạn vỗ béo người chăn nuôi phải thực hiện cân, đo khối lượng định kỳ 30 ngày/1 lần để kiểm tra mức độ tăng trưởng, trên cơ sở đó điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày. Thức ăn dùng vỗ béo trâu, bò bao gồm: Thức ăn thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung khoáng và vitamin... Khẩu phần ăn cho trâu, bò vỗ béo được chia theo 3 giai đoạn. Đối với thức ăn thô xanh cho trâu, bò ăn tự do cả ngày và đêm. Bổ sung thức ăn tinh cho 1 con trâu bò trong 1 ngày đêm như sau: Ngày thứ nhất đến ngày thứ 10 của quá trình vỗ béo cho ăn 01 kg cám hỗn hợp; ngày thứ 11 đến ngày thứ 30 cho ăn 02 kg cám hỗn hợp; ngày thứ 31 đến ngày thứ 90 cho ăn 03 kg cám hỗn hợp. Tuỳ từng điều kiện chăn nuôi hộ gia đình, trang trại nên bổ sung các phụ phẩm nông nghiệp khác như bã bia (từ 5-8kg/con/ngày)... để giảm lượng thức ăn thô xanh, tăng nhanh khối lượng trong thời gian vỗ béo. Ngoài việc cho ăn các khẩu phần trên cần bổ sung cho trâu, bò ăn thêm khoáng và vitamin thông qua cho ăn các tảng đá liếm có bán trên thị trường. Trong quá trình nuôi vỗ béo thực hiện tẩy ngoại ký sinh trùng như: Ve, ghẻ, rận và nội ký sinh trùng như giun sán đường ruột cho trâu bò theo hướng dẫn. Chuồng nuôi trâu, bò vỗ béo phải đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, trâu bò đi lại tự do trong chuồng. Thời gian vỗ béo trong vòng từ 60 đến 90 ngày tùy thuộc vào thể trạng và khả năng hấp thu dinh dưỡng của trâu, bò.

Sau hmột năm thực hiện mô hình nuôi trâu bò vỗ béo Hợp tác xã Quang Minh đã xuất bán được hai lứa với trên 50 con trâu, bò ra thị trường góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình xã viên. Từ 11 thành viên ban đầu đến nay Hợp tác xã đã phát triển lên 20 thành viên với 3 trang trại nuôi trâu bò viỗ béo. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một ssố khó khăn đó là: Do đối tượng trâu bò vỗ béo là những con không sử dụng để cày kéo, vắt sữa, sinh sản; trâu bò gầy do thiếu dinh dưỡng nên nguồn giống tại địa phương rất khan hiếm. Khó khăn tiếp theo đó là để đầu tư mua một con trâu bò nuôi vỗ béo có trọng lượng khoảng 300kg người chăn nuôi phải bỏ vốn ra 21 triệu đồng, nếu quy mô nuôi mỗi hộ khoảng 10 trở lên người chăn nuôi phải bỏ vốn một lúc trên 200 triệu đồng, số tiền này không hề nhỏ đối với một hộ nông dân. Vì vậy để nhân rộng mô hình các thành viên Hợp tác xã đang rất cần nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Có thể thấy, mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của Hợp tác xã Minh Quang đã và đang trở thành phương thức làm ăn đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên.  Được biết, trong thời gian tới tổ hợp tác sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích trồng thêm cỏ, xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi tăng đàn trâu, bò vỗ béo đảm bảo cung cấp nguồn trâu, bò ra thị trường. Hy vọn rằng trong năm mới 2020 HTX sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự giúp đỡ về nguồn vốn để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Đưa mô hình nuôi vỗ béo trâu, bò theo chuỗi giá trị trở thành phong trào mạnh mẽ, góp phần tạo nhiều công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho các gia đình xã viên.

Bài, ảnh: Hà Huế


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 74
Hôm qua : 622