• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NA HANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phong tục đón tết của người Tày ở Na Hang

 

Tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt là dịp để mỗi người thân trong gia đình cùng nhau sum vầy, quây quần lại chào tạm biết năm cũ để đón mừng năm mới. Cũng giống như các dân tộc khác, đối với người Tày ở huyện vùng cao Na Hang tết Âm lịch là cái tết lớn nhất trong năm. Mặc dù, giờ đây cuộc sống đã ít nhiều thay đổi nhưng bản sắc văn hóa và hồn cốt dân tộc của đồng bào Tày vẫn được gìn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Thầy Mo làm lễ cúng thần linh trong ngày hội Lồng Tông (xuống đồng) 

Ông Ma Văn Lương người có uy tín thôn Nà Noong, xã Năng Khả cho biết: “Đối với người Tày sẽ bắt đầu đón tết từ 28, 29 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng Âm lịch. Theo quan niệm của người Tày, tết nhà cửa phải thật sạch sẽ, gọn gàng thì năm mới mới no đủ, ấm áp. Chính vì thế bắt đầu từ 27, 28 tết tất cả mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau dọn dẹp, bày trí lại bàn thờ tổ tiên, nhà cửa để đón tết. Người Tày còn có phong tục dựng cây nêu trước sân nhà là để báo hiệu, xua đuổi ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu”.

Khi dọn dẹp nhà cửa xong xuôi những người đàn ông trong gia đình sẽ mổ lợn, mổ gà còn những người phụ nữ làm bánh trưng, bánh giầy để đón tết. Đối với người Tày việc thờ cúng tổ tiên là quan trọng nhất, chính vì thế bàn thờ tổ tiên sẽ được bày trí ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Người Tày còn trang trí hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ tổ tiên với ý nghĩa để các cụ chống gậy về ăn Tết với con cháu. Đây là hình ảnh tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo của con cháu mong muốn được đón ông bà tổ tiên xuống trần gian ăn Tết, đón chào một năm mới an khang, đủ đầy. Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Tày còn thờ vua bếp, thổ công; đây là những vị thần cai quản và trông giữ nơi họ sinh sống nên tất cả các gia đình đều làm lễ thờ trong ba ngày Tết với mong muốn các vị thần sẽ che chở, bảo vệ cho gia đình. Theo quan niệm của người Tày trong những ngày tết không được quét nhà để tránh xui xẻo, đen đủi sẽ bám theo cả năm.

Trò chơi dân gian ném còn của người Tày thu hút nhiều người tham gia

Sáng sớm ngày mùng 1 âm lịch nhà nào nhà nấy đều đóng chặt cửa, cổng không cho bất cứ người nhà, hay người lạ ra, vào. Vì người Tày kiêng kỵ nhất sáng mồng 1, không ai được đến nhà nhau; họ quan niệm nếu người có tang ma đến nhà sẽ mang lại vận hạn cho gia đình. Vì vậy, họ chọn người xông nhà phải là người có đạo đức, uy tín và phúc lớn trong bản nhưng đến chiều mồng 1 Tết thì mọi người có thể đi chơi nhà nhau bình thường.

Trong sáng mùng 1 tất cả mọi người trong gia đình sẽ dậy sớm để cùng nhau chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên. Trên mâm cúng gồm có rượu, xôi, thịt lợn, thịt gà, cá và bánh trưng. Sau khi mâm cỗ cúng được chuẩn bị xong,  người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ làm lễ cúng (thông báo đến tổ tiên những việc mà năm qua gia đình đã làm được vào ngày đầu tiên của năm mới và hy vọng ông bà, tổ tiên sẽ phù họ cho gia đình sang năm mới mạnh khỏe, may mắn…). Ngoài ra, tất cả những công cụ lao động như: dao, cày, bừa, cuốc, thuổng… cũng được xếp rửa sạch sẽ, xếp gọn gang rồi thắp hương; theo đồng bào nơi đây, những vật dụng đó đã gắn bó và theo họ suốt một năm lao động vất vả nên chúng cũng phải được nghỉ ngơi đón Tết.

Xôi cơm là món ăn không thể thiếu trong ngày tết của người Tày

Người Tày cũng quan niệm, sáng ngày mùng 1 âm lịch cả gia đình sẽ cùng nhau ra vườn nhà để hái lộc và lấy nước mới đem vào nhà tượng trưng cho 1 năm mới no đủ, an lành.

Tết đến, Xuân sang cũng là dịp để nghỉ ngơi, diện những bộ quần áo đẹp nhất cùng chơi những trò chơi dân gian mang tính cộng đồng như tung còn, đánh yến, đánh bàm…  tất cả như muốn gửi gắm những điều tốt đẹp trong năm mới mang nhiều niềm vui mới.

Bài, ảnh: Hà Huế

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 904
Hôm qua : 478